Bảo trì tinh gọn (lean maintenance): Hiệu quả và tối ưu chi phí cho doanh nghiệp

Bảo trì tinh gọn (lean maintenance): Hiệu quả và tối ưu chi phí cho doanh nghiệp

Cùng với sản xuất tinh gọn (lean manufacturing), bảo trì tinh gọn (lean maintenance) đang trở thành khái niệm được nhiều doanh nghiệp quan tâm khi quyết định phát triển theo hướng tinh gọn (lean enterprise). Cùng xem cách lean maintenance giúp doanh nghiệp cải thiện hiệu quả bảo trì thiết bị cũng như tối ưu hóa chi phí trong phần dưới đây.

Tại sao doanh nghiệp nên áp dụng bảo trì tinh gọn

Bảo trì tinh gọn hay lean maintenance là chiến lược bảo trì chủ động nhằm giảm thiểu lãng phí sử dụng tài nguyên (máy móc, thiết bị…) kém hiệu quả trong quá trình sản xuất. Phương pháp này giúp doanh nghiệp thực hiện công việc bảo trì hiệu quả với nguồn lực ít hơn; đồng thời đảm bảo máy móc, thiết bị hoạt động ở trạng thái tốt nhất và không làm xáo trộn lịch trình sản xuất cũng như lịch bảo trì đã được lên kế hoạch từ trước. Áp dụng bảo trì tinh gọn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp:

  1. Tăng chất lượng và độ đồng đều của sản phẩm: Bảo trì tinh gọn giúp tăng chất lượng và độ đồng đều của sản phẩm bằng cách tối ưu hóa hiệu suất của máy móc và giảm thiểu thời gian dừng máy do hỏng hóc, sự cố. Từ đó, chất lượng sản phẩm có độ đồng đều cao, ít hàng NG.
  2. Giảm chi phí bảo trì: Bằng cách thực hiện bảo trì đúng lúc và đúng cách, doanh nghiệp có thể tối ưu chi phí sửa chữa và thay thế phụ tùng không cần thiết. Đặc biệt là giảm thời gian gián đoạn đột xuất và hạn chế bảo trì khẩn cấp
  3. Nâng cao tuổi thọ thiết bị: Thiết bị hoạt động kém, không được kiểm tra và bảo trì thường xuyên có thể dẫn tới hao mòn, kém hiệu quả cho các bộ phận máy móc khác. Bảo trì tinh gọn có thể nắm bắt những điểm kém hiệu quả này để giải quyết kịp thời, từ đó kéo dài tuổi thọ của thiết bị.
  4. Nâng cao sự hài lòng và gắn bó của nhân viên: Bảo trì thường xuyên và chính xác không chỉ giúp nâng cao hiệu quả công việc mà còn nâng cao sự chủ động, an toàn lao động cũng như sự hài lòng của nhân viên khi làm việc đặc biệt là khi vận hành máy móc.

Điều kiện để thực hiện bảo trì tinh gọn

Để triển khai thành công bảo trì tinh gọn, doanh nghiệp cần đáp ứng một số điều kiện cơ bản:

Xây dựng chiến lược bảo trì chủ động

Chủ động là yếu tố tiên quyết để triển khai lean maintenance thành công. Các phương pháp quản lý bảo trì thiết bị thụ động trước đây như: Bảo trì sửa chữa, bảo trì định kỳ… được đánh giá là không còn hiệu quả, gây tốn kém và làm ảnh hưởng hiệu suất thiết bị cũng như tiến trình sản xuất. Ngược lại, việc xây dựng chiến lược bảo trì chủ động như: Bảo trì phòng ngừa và bảo trì dự đoán sẽ giúp doanh nghiệp giảm nguy cơ hỏng hóc thiết bị đột ngột và trì hoãn sản xuất.

Thiết lập danh sách kiểm kê tài sản

Để thực hiện bảo trì tinh gọn hiệu quả, doanh nghiệp cần có một danh sách kiểm kê tất cả các tài sản cốt lõi hiện có. Nhân viên bảo trì có thể sử dụng danh sách này để phân bổ các nhóm bảo trì, lập kế hoạch sửa chữa và thiết lập quy trình sử dụng phụ tùng thay thế hiệu quả.

Nhận thức và cam kết của lãnh đạo

Ban lãnh đạo doanh nghiệp nên là bộ phận tiên phong và có những cam kết mạnh mẽ trong việc thực hiện, duy trì chuỗi hoạt động bảo trì tinh gọn. Sự hỗ trợ, định hướng của ban lãnh đạo chính là yếu tố then chốt quyết định đến thay đổi văn hóa và quy trình trong toàn bộ tổ chức.

Đào tạo và giáo dục 

Sau sự thống nhất của ban lãnh đạo, việc cấp thiết tiếp theo doanh nghiệp cần làm là đào tạo và trang bị cho nhân viên về những kiến thức, nguyên tắc của bảo trì tinh gọn, bao gồm các kỹ thuật và công cụ liên quan như Kaizen, 5S, TPM (Total Productive Maintenance – Bảo trì năng suất toàn diện) và các phương pháp loại bỏ sự lãng phí không đáng có. Sự hiểu biết và kỹ năng của nhân viên là yếu tố quan trọng để doanh nghiệp thực hiện bảo trì tinh gọn.

Ứng dụng công nghệ và phần mềm quản lý bảo trì

Để áp dụng lean maintenance hiệu quả, việc ứng dụng công nghệ và các phần mềm quản lý  vào quá trình bảo trì của doanh nghiệp là điều vô cùng cấp thiết. Đây cũng chính là lý do ngày càng có nhiều phần mềm quản lý bảo trì (MMS) được phát triển và phân phối trên thị trường.

Chức năng chính của các phần mềm MMS là giám sát, thu thập, phân tích dữ liệu hoạt động của thiết bị, máy móc, dây chuyền sản xuất… để phán đoán và đưa ra các cảnh báo sự cố tiềm ẩn, giúp doanh nghiệp lập kế hoạch bảo trì hiệu quả, cũng như có biện pháp khắc phục kịp thời trước khi vấn đề xảy ra.

Công cụ và phương pháp giúp nâng cao hiệu quả quy trình bảo trì tinh gọn

Để tối ưu hiệu quả quy trình bảo trì tinh gọn, dưới đây chúng tôi gợi ý cho doanh nghiệp một số công cụ và phương pháp sau:

5 Công cụ và phương pháp giúp nâng cao hiệu quả bảo trì tinh gọn

5 Công cụ và phương pháp giúp nâng cao hiệu quả bảo trì tinh gọn

Kaizen

Phương pháp Kaizen giúp doanh nghiệp phát hiện và loại bỏ các lãng phí không đáng có trong quá trình bảo trì thiết bị, đồng thời liên tục tìm kiếm các vấn đề gây ảnh hưởng đến hoạt động của máy móc, thiết bị để đưa ra phương án cải thiện. Khi doanh nghiệp áp dụng Kaizen, đội ngũ bảo trì cần thường xuyên kiểm tra và cập nhật các quy trình, thủ tục bảo trì để đảm bảo cải tiến liên tục.

5S

Phương pháp tổ chức và quản lý nơi làm việc giúp doanh nghiệp loại bỏ các công cụ/vật liệu không cần thiết, sắp xếp công cụ gọn gàng, dọn dẹp thường xuyên, chú trọng đến khu vực làm việc sạch sẽ và hoàn hảo, đồng thời thấm nhuần hành vi đó vào thói quen tại nơi làm việc…. Điều này đảm bảo máy móc, thiết bị luôn được vệ sinh sạch sẽ, đúng cách để nâng cao tuổi thọ và độ bền.

RCM (Reliability Centered Maintenance)

RCM là phương pháp bảo trì dựa trên độ tin cậy. Trọng tâm của phương pháp này là đảm bảo máy móc/thiết bị trong hệ thống sản xuất luôn hoạt động ổn định và duy trình trạng thái tốt nhất. Để làm được điều đó, bộ phận kỹ thuật của doanh nghiệp cần thường xuyên giám sát và đánh giá tình trạng của từng bộ phận, hệ thống máy móc trong nhà máy. 

RCA (Root Cause Analysis)

Phương pháp phân tích nguyên nhân từ gốc rễ RCA giúp các doanh nghiệp có thể phân tích và tìm ra căn nguyên gây ra sự cố thiết bị, từ đó lên phương án khắc phục nhanh nhất.

FMEA (Failure Modes and Effects Analysis)

FMEA cho phép doanh nghiệp phân tích dạng lỗi và các ảnh hưởng đến đầu ra của quy trình. Bằng cách áp dụng phương pháp này trong quy trình bảo trì, doanh nghiệp có thể phát hiện các vấn đề tiềm ẩn xuất hiện trong quá trình sản xuất, làm ảnh hưởng đến tuổi thọ, hiệu suất, độ bền của thiết bị, từ đó xây dựng kế hoạch bảo trì từ trước tránh những rủi ro có thể diễn ra.

Việc áp dụng các công cụ này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả bảo trì mà còn đảm bảo tính liên tục và bền vững của quá trình vận hành sản xuất. Bằng cách kết hợp giữa công nghệ hiện đại và phương pháp quản lý tiên tiến, doanh nghiệp có thể thực hiện bảo trì tinh gọn một cách hiệu quả và bền vững.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *