Chắc chắn rằng tất cả các doanh nghiệp ở bất kỳ quy mô, lĩnh vực nào, hàng năm đều trích ra những khoản đầu tư nhất định cho các hoạt động marketing hay còn gọi là hoạch định ngân sách marketing.
Vậy câu hỏi đặt ra là đặt chi phí marketing bao nhiêu là đủ?
Trong công ty thường có nhiều phòng ban, mỗi bộ phận khác nhau sẽ có góc nhìn khác nhau trong việc chi bao nhiêu ngân sách cho Marketing là đủ. Vậy trong bài viết này, tôi sẽ đưa ra thật ngắn gọn các cách thường được áp dụng để lập ngân sách trong marketing cho các dự án, sản phẩm để các PO có thể tham khảo.
1. Ngân sách marketing là gì?
Ngân sách marketing (marketing budget): Là tổng số tiền mà một doanh nghiệp, dự án dành riêng để chi tiêu cho các hoạt động và chiến dịch marketing trong một khoảng thời gian nhất định. Ngân sách này bao gồm chi phí cho nhiều loại hoạt động như quảng cáo, khuyến mãi, sự kiện, nghiên cứu thị trường, marketing nội dung, SEO, và các chiến lược marketing khác.
2. Mục tiêu sử dụng ngân sách marketing là gì?
Mục tiêu của ngân sách marketing là để tối ưu hóa sự nhận diện thương hiệu, thu hút khách hàng mới, giữ chân khách hàng hiện tại, và cuối cùng là tăng trưởng doanh thu. Việc xác định ngân sách marketing đòi hỏi sự cân nhắc giữa mục tiêu kinh doanh và khả năng tài chính của doanh nghiệp, đồng thời phải linh hoạt để điều chỉnh theo sự thay đổi của thị trường và hiệu suất của các chiến dịch.
3. Bật mí về 4 cách hoạch định ngân sách Marketing trong doanh nghiệp
Cách 1: Xác định ngân sách marketing dựa trên phần trăm doanh thu.
Với cách này, chỉ cần xem cơ cấu ngành, sản phẩm thường dung bao nhiêu % doanh thu để cho hoạt động marketing. Ví dụ sản phẩm của ta dự kiến hay dùng 10% để cho hoạt động Marketing. Doanh thu của ta là 10 tỷ, thì ngân sách marketing ở đây là 1 tỷ/ năm cho sản phẩm đó.
Ưu điểm: Cách này là dễ tính toán, dễ được chấp nhận.
Nhược điểm: Cách hoạch định ngân sách này không có căn cứ vững chắc vì thông thường nhờ có marketing mà tăng doanh số chứ không phải doanh số là căn cứ để tính ngân sách marketing.
Cách 2: Xác định dựa trên phương pháp cân bằng cạnh tranh (theo ngành, theo đối thủ cạnh tranh).
Ưu điểm: Phương pháp này bám theo được đối thủ cạnh tranh, dựa trên nhu cầu của thị trường và dựa trên đặc điểm ngành để đưa ra ngân sách.
Nhược điểm: Khó chính xác được trên môi trường trên thực tế do khó mà biết công ty đối thủ sử dụng ngân sách chính xác như thế nào. Ngoài ra mỗi công ty có mục tiêu khác nhau, tầm nhìn khác nhau, dẫn đến việc sử dụng ngân sách marketing cũng khác nhau giữa các công ty.
Nên dù có biết ngân sách marketing của công ty đối thủ, cũng chưa chắc đã đi đúng tầm nhìn của công ty mình.
Cách 3: Dựa trên mục tiêu và kỳ vọng (market size). Phương pháp này được xem là có căn cứ khoa học.
Ví dụ: Market size của sản phẩm A tại thị trường Đông Nam Á là 100 tỷ đô. PO của công ty muốn chiếm 2% thị phần sản phẩm này tại thị trường Đông Nam Á, tức đặt mục tiêu kỳ vọng 2 tỷ đô vào năm 2025. Với mục tiêu kỳ vọng như vậy, chi phí marketing để đem đếm $1 doanh thu là x thì ngân sách marketing cần dùng sẽ phải là x* 2 tỷ đô.
Ưu điểm: Được xem là có căn cứ khoa học, mang mục tiêu kỳ vọng và tầm nhìn rõ ràng
Nhược điểm: Có thể bị vượt quá ngân sách hoặc khả năng tài chính của công ty, hoặc dễ vướng vào các rào cản với các mục đích khác trong doanh nghiệp (nhân lực, tài chính, sale).
Cách 4: Xác định dựa trên khả năng chi trả (do ban điều hành tự đưa ra quyết định)
Ưu điểm: Dễ tính toán, tự chủ
Nhược điểm: Công ty không thể sử dụng marketing như một công cụ để tác động đến mức cần thiết đến thị trường và cũng không theo cơ sở cạnh tranh thị trường.
Trên đây là 4 cách để hoạch định ngân sách marketing trong doanh nghiệp. Bài viết chỉ overview, không đi sâu chi tiết từng phương pháp. Tuy nhiên với cái nhìn tổng quan, hy vọng sẽ cung cấp cho các PO cách nhìn toàn diện để khi lựa chọn ngân sách cho doanh nghiệp của mình không bị vô căn cứ.
Bonus thêm: Sau khi có ngân sách marketing, chúng ta phân bổ ngân sách cho các hạng mục và kiểm tra lại kế hoạch theo chu trình này
Bài viết độc quyền của chuyên gia FPT IS
Tác giả Đào Thị Trang – CEO công ty TechUP, thành viên công ty FPT IS |