Đại dịch đã cho chúng ta thấy việc xây dựng chiến lược chuỗi cung ứng (supply chain strategy) sẽ không chỉ tập trung vào hiệu suất và quản lý chi phí mà sẽ dựa trên mức độ an toàn và khả năng thích ứng trước những biến cố và khủng hoảng. Một chiến lược lý tưởng cho sản phẩm không chỉ tối đa hóa lợi nhuận và nâng cao tính cạnh tranh mà còn mang lại lợi thế về tính linh hoạt khi xảy ra sự cố hoặc khi nhu cầu thị trường thay đổi.
1. Chiến lược chuỗi cung ứng là gì?
Chiến lược chuỗi cung ứng là một kế hoạch dài hạn mà doanh nghiệp xây dựng nhằm quản lý và tối ưu hóa các hoạt động liên quan đến sản xuất, vận chuyển, lưu trữ và phân phối hàng hóa từ nhà cung cấp đến khách hàng cuối cùng. Mục tiêu chính của chiến lược này là đảm bảo đáp ứng nhanh chóng nhu cầu của khách hàng đồng thời tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp.
Chuỗi cung ứng bao gồm nhiều khía cạnh như mua sắm, sản xuất, vận chuyển, phân phối và chăm sóc khách hàng. Một chiến lược được thiết lập chặt chẽ sẽ giúp doanh nghiệp linh hoạt điều chỉnh các quy trình để phù hợp với mục tiêu tổng thể.
Chiến lược cho chuỗi cung ứng không chỉ giúp quản lý mọi khía cạnh phức tạp mà còn đảm bảo mọi hoạt động diễn ra hài hòa. Khi có chiến lược cho chuỗi cung ứng, doanh nghiệp có thể kịp thời phát hiện và giải quyết các rủi ro tiềm ẩn, cải thiện mối quan hệ với các đối tác và thúc đẩy sự cải tiến liên tục. Nhờ đó, khả năng phục hồi sau khó khăn và củng cố vị thế cạnh tranh trên thị trường của doanh nghiệp sẽ được nâng cao.
2. Tầm quan trọng của chiến lược chuỗi cung ứng
Chiến lược chuỗi cung ứng đóng vai trò then chốt đối với các doanh nghiệp hiện nay do nhu cầu và mong muốn của người tiêu dùng liên tục thay đổi. Vì vậy, thị trường đòi hỏi các tổ chức phải có các chiến lược rõ ràng và linh hoạt, đảm bảo mang lại sự hài lòng cho khách hàng và duy trì lợi thế cạnh tranh.
Chiến lược quản trị chuỗi cung ứng có mối quan hệ mật thiết với các mục tiêu kinh doanh của công ty. Một chiến lược lý tưởng cần đáp ứng được mục tiêu và nguồn lực hiện có của công ty, đồng thời thỏa mãn nhu cầu của khách hàng.
Ngược lại, nếu không xác định được một chiến lược phù hợp và linh hoạt, chuỗi cung ứng có thể gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho doanh nghiệp, làm ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh.
3. 5 yếu tố cần xem xét khi xây dựng chiến lược chuỗi cung ứng
Để xây dựng chiến lược chuỗi cung ứng hiệu quả, các doanh nghiệp cần phải nắm rõ các yếu tố có thể tác động đến hoạt động của chuỗi cung ứng. Trong đó, 5 yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất có thể kể đến như:
3.1. Tác động của môi trường bên ngoài và bên trong doanh nghiệp
Trong một thị trường ngày càng biến động và nhu cầu của người tiêu dùng trở nên khó đoán hơn, doanh nghiệp cần phải nắm rõ những thay đổi hiện tại và dự đoán xu hướng tương lai. Điều này giúp thiết lập chiến lược hiệu quả, linh hoạt.
Một chiến lược dù hoàn hảo đến đâu cũng cần phù hợp với nguồn lực hiện tại của doanh nghiệp. Các yếu tố như chi phí, nhân lực và máy móc phải đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp. Ngoài ra, vấn đề kết nối nội bộ cũng cần được chú trọng. Sự thiếu kết nối trong tương tác nội bộ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả cuối cùng, do việc truyền tải thông tin không chính xác dẫn đến thực hiện kế hoạch sai lệch.
3.2. Điểm mạnh và điểm yếu của nội tại doanh nghiệp và của đối thủ
Đây là yếu tố vô cùng quan trọng trong việc lập chiến lược chuỗi cung ứng. Bởi khi hiểu rõ lợi thế và điểm yếu của mình so với đối thủ, doanh nghiệp sẽ xác định được những yếu tố cốt lõi cần tập trung, cải thiện và cần thúc đẩy để đạt được thị trường mục tiêu.
3.3. Yếu tố giúp xây dựng lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp
Đây có thể coi là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp khẳng định lợi thế cạnh tranh của mình. Mỗi doanh nghiệp sẽ tập trung đẩy mạnh một khía cạnh riêng biệt để tạo nên dấu ấn đặc trưng trên thị trường. Đó có thể là đặc thù về sản phẩm, giá trị dịch vụ hoặc những giá trị thặng dư mà doanh nghiệp mang lại cho khách hàng của mình.
3.4. Chi phí vận hành chuỗi cung ứng
Chi phí gần như là mục tiêu hàng đầu của bất kỳ chuỗi cung ứng nào. Chiến lược chuỗi cung ứng luôn hướng đến việc tối ưu hóa chi phí ở mọi khía cạnh nhỏ nhất nhằm đạt được mức giá cạnh tranh nhất trên thị trường. Đây cũng là một trong những lợi thế quan trọng ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng.
3.5. Những hoạt động giúp cải thiện dòng tiền của doanh nghiệp
Để chuỗi cung ứng được thực hiện đúng theo chiến lược, doanh nghiệp luôn phải đảm bảo dòng tài chính của mình, để duy trì hoạt động chuỗi cung ứng mà không gặp gián đoạn. Từ đó, đạt được mục tiêu đề ra và mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp.
4. 5 bước xây dựng chiến lược chuỗi cung ứng
Để tiếp cận và triển khai một chiến lược chuỗi cung ứng hoàn chỉnh và hiệu quả, các nhà sản xuất và doanh nghiệp cần hiểu rõ một số yếu tố quan trọng như mục tiêu doanh nghiệp, các nhiệm vụ then chốt, và chiến lược marketing. Hãy cùng khám phá chi tiết 5 bước xây dựng dưới đây:
Bước 1: Làm rõ mục tiêu cụ thể của doanh nghiệp
Khi muốn triển khai một chiến lược cho chuỗi cung ứng, trước hết, các nhà sản xuất và doanh nghiệp cần nắm rõ là mục tiêu và tầm nhìn của doanh nghiệp – điều mà họ muốn hướng đến và đạt được trong công việc kinh doanh.
Ví dụ: Tầm nhìn của một doanh nghiệp sản xuất mì ăn liền có thể là chiếm lĩnh toàn bộ thị trường thực phẩm trong vòng 3 năm tới, mang đến các sản phẩm chất lượng với giá thành hợp lý cho người tiêu dùng.
Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp cần đặc biệt chú trọng đến khả năng vận hành và Logistics để đảm bảo các hoạt động diễn ra đúng tiến độ, sản phẩm đạt chất lượng cao và hàng hóa được giao tới tay khách hàng với mức giá cạnh tranh.
Việc xác định tầm nhìn của doanh nghiệp là vô cùng quan trọng, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình vận hành. Nắm rõ các mục tiêu sẽ giúp các nhà sản xuất hiểu được chiến lược cần tập trung và cải thiện ở điểm nào, từ đó phát huy tối đa giá trị của chuỗi cung ứng.
Bước 2: Xác định các nhiệm vụ then chốt
Sau khi đã xác định rõ mục tiêu, bước tiếp theo doanh nghiệp cần xem xét các yếu tố quan trọng như sản phẩm, thị trường, sản xuất và phân bổ để triển khai chiến lược hiệu quả.
- Sản phẩm: Hiểu rõ các sản phẩm của doanh nghiệp, bao gồm việc phân loại sản phẩm theo đặc tính và giá thành, cùng chiến lược phát triển cho mỗi loại sản phẩm.
- Thị trường: Nắm bắt phân khúc thị trường của từng nhóm sản phẩm, xác định thị trường tiêu thụ lớn nhất và xây dựng chiến lược lưu trữ, phân phối phù hợp cho mỗi khu vực.
- R&D (Nghiên cứu và Phát triển): Tập trung vào nghiên cứu và phát triển các dòng sản phẩm phù hợp với người tiêu dùng. Ví dụ, doanh nghiệp sản xuất mì ăn liền nên chú trọng vào việc tạo ra những sản phẩm có hương vị đặc trưng, thơm ngon, hấp dẫn.
- Sản xuất: Cải tiến quy trình sản xuất để trở nên tinh gọn và nhanh nhẹn hơn hoặc phát triển hệ thống sản xuất xanh để giảm thiểu tác động đến môi trường.
- Phân bổ: Xây dựng và mở rộng mạng lưới phân phối hiện đại, nhằm tối đa hóa hiệu quả kinh doanh.
Bước 3: Xác định lợi thế cạnh tranh
Doanh nghiệp có nhiều cách để trở nên khác biệt và nâng cao lợi thế cạnh tranh trên thị trường như cải thiện chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ và giá thành. Để triển khai chuỗi cung ứng hiệu quả, các nhà sản xuất và doanh nghiệp cần xác định hai yếu tố chủ chốt sau:
Order Winner (Tiêu chuẩn chiến thắng đơn hàng)
Đây là yếu tố giúp doanh nghiệp nổi bật so với đối thủ và thúc đẩy khách hàng chọn sản phẩm của mình. Các tiêu chuẩn chiến thắng đơn hàng có thể bao gồm giá cả, chất lượng sản phẩm, tốc độ giao hàng, độ tin cậy, thiết kế sản phẩm, tính linh hoạt và hình ảnh thương hiệu. Đây là lý do tại sao khách hàng quyết định mua sản phẩm hoặc dịch vụ của công ty.
Order Qualifier (Tiêu chuẩn thỏa mãn đơn hàng)
Yếu tố này giúp doanh nghiệp cạnh tranh ngang bằng với đối thủ. Tiêu chuẩn thỏa mãn đơn hàng là những tiêu chí mà khách hàng cân nhắc khi lựa chọn sản phẩm, giúp doanh nghiệp trở thành đối thủ cạnh tranh tiềm năng trong lĩnh vực kinh doanh.
Bước 4: Xác định chiến lược Marketing
Tại sao cần xác định chiến lược Marketing để xây dựng chuỗi cung ứng? Bởi lẽ, các hoạt động marketing giúp doanh nghiệp hiểu rõ nhu cầu và mong muốn của người tiêu dùng cũng như các phân khúc khách hàng trên thị trường.
Bằng cách xác định mục tiêu, nghiên cứu thị trường, phân tích đối thủ cạnh tranh và tìm hiểu khách hàng tiềm năng, doanh nghiệp có thể xây dựng một chiến lược Marketing phù hợp với sản phẩm và ngân sách. Điều này giúp doanh nghiệp xác định được các kênh phân phối cần cải thiện và phát triển, hoàn thiện việc xây dựng chiến lược chuỗi cung ứng phù hợp cho từng nhóm sản phẩm.
Bước 5: Hoàn thiện xây dựng chiến lược chuỗi cung ứng
Khi đã nắm vững thông tin và hiểu rõ quy trình của các bước trên, các nhà sản xuất và doanh nghiệp sẽ tiến hành xây dựng kế hoạch chiến lược phù hợp. Chiến lược này có thể tập trung vào hiệu quả (Efficiency Supply Chain), chú trọng năng suất và chi phí, hoặc hướng đến sự đáp ứng và linh hoạt với thị trường (Responsiveness Supply Chain), tập trung vào tốc độ cung ứng hàng hóa.
Dựa trên các kế hoạch chiến lược đã được xác định kỹ lưỡng, doanh nghiệp sẽ triển khai những hoạt động cụ thể để thực hiện và đạt được các mục tiêu đề ra, từ đó hoàn thiện chiến lược cho chuỗi cung ứng.
5. 6 loại chiến lược chuỗi cung ứng phổ biến
Dưới đây là 6 chiến lược chuỗi cung ứng được nhiều doanh nghiệp lựa chọn:
5.1. Chiến lược tối ưu luồng hiệu quả (efficient flow)
Đối với các sản phẩm có nhu cầu ổn định và có thể dự đoán được, doanh nghiệp sẽ ưu tiên ứng dụng một chiến lược trong đó tất cả các thành phần của chuỗi cung ứng hoạt động nhịp nhàng. Điều này đảm bảo sản phẩm được phân phối đến đúng nơi vào đúng thời điểm cần thiết.
Quản lý hàng tồn kho và dự báo nhu cầu sản xuất đóng vai trò then chốt. Nếu thực hiện đúng, mức tồn kho sẽ luôn ở mức tối ưu, tránh tình trạng dư thừa hoặc thiếu hụt. Việc trao đổi và liên tục giao tiếp trong mạng lưới chuỗi cung ứng là cần thiết để cập nhật và xử lý thông tin kịp thời.
Chọn nhà cung cấp có khả năng cộng tác tốt với mọi thành viên trong mạng lưới là yếu tố quan trọng để xây dựng các mối quan hệ đối tác vững chắc. Với chiến lược này, doanh nghiệp sẽ sản xuất đủ để đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Cách tiếp cận này ưu tiên giá trị khách hàng, đặc biệt là tính sẵn có.
5.2. Chiến lược tối ưu chi phí (efficient cost)
Đây là chiến lược tối ưu hóa giá cả tại mọi giai đoạn. Lợi nhuận mang lại cuối cùng là điều quan trọng nhất. Lựa chọn nhà cung cấp, sản xuất và Logistics có chi phí thấp nhất. Doanh nghiệp có thể thay đổi thiết kế để giảm chi phí sản xuất.
Giá cả là yếu tố hàng đầu, vì vậy doanh nghiệp tập trung vào điều đó ở mọi khía cạnh. Sản xuất càng nhiều sản phẩm trong cùng một lần càng tốt để giảm chi phí, do đó, việc dự báo nhu cầu thị trường trở nên cực kỳ quan trọng.
Cách tiếp cận này ưu tiên tiết kiệm chi phí.
5.3. Chiến lược tối ưu tốc độ (efficient speed)
Áp dụng chiến lược chuỗi cung ứng linh hoạt này khi tốc độ đưa sản phẩm ra thị trường và khả năng bổ sung thêm các phiên bản khác của sản phẩm là yếu tố quan trọng cho ngành. Khi lựa chọn các nhà cung ứng để hợp tác, chi phí chuỗi cung ứng không phải là điều tập trung hàng đầu của doanh nghiệp áp dụng chiến lược này, khả năng thay đổi nhanh chóng về sản phẩm, sản xuất và vận chuyển sẽ là yếu tố hàng đầu. Doanh nghiệp có thể làm việc với nhiều nhà cung cấp để tối ưu hóa tốc độ.
5.4. Chiến lược đáp ứng tùy chỉnh
Cách tiếp cận này là lựa chọn phù hợp nếu sản phẩm của doanh nghiệp yêu cầu sự tùy chỉnh hoặc cấu hình theo nhu cầu khách hàng. Doanh nghiệp sẽ chọn lựa nhà cung cấp dựa trên khả năng sản xuất theo yêu cầu, xử lý các sản phẩm độc đáo với khối lượng thấp. Các nhà cung cấp sẽ cần ứng dụng tự động hóa và công nghệ sản xuất tiên tiến để tích hợp tùy chỉnh một cách hiệu quả vào quy trình sản xuất
Mặc dù chi phí có thể cao hơn, nhưng giá trị mang lại cho khách hàng cũng sẽ lớn hơn. Các nguyên liệu/thành phần mang tính tiêu chuẩn của sản phẩm sẽ được lưu trữ sẵn trong kho giúp quá trình tùy chỉnh diễn ra nhanh chóng.
5.5. Chiến lược đáp ứng sự biến động của nhu cầu
Trong các ngành có nhu cầu biến động, doanh nghiệp cần một chiến lược cho phép tăng tốc hoặc chậm lại toàn bộ chuỗi cung ứng một cách nhanh chóng và hiệu quả. Chiến lược này thường cần phải duy trì mức hàng tồn kho lớn để có thể nhanh chóng đáp ứng nhu cầu. Ngoài ra, các nhà cung cấp của doanh nghiệp cũng cần khả năng làm việc với thời gian giao hàng ngắn.
5.6. Chiến lược linh hoạt đáp ứng các vấn đề của khách hàng
Doanh nghiệp sử dụng chiến lược chuỗi cung ứng này khi khách hàng tìm đến sản phẩm để giải quyết vấn đề cụ thể của họ. Sự hài lòng của khách hàng phụ thuộc vào việc doanh nghiệp cung cấp được những gì mà các nhà cung cấp khác không thể.
Nhu cầu thường không thể đoán trước, nhưng khi khách hàng cần sản phẩm, họ sẽ muốn có ngay lập tức với những tính năng độc đáo. Doanh nghiệp sẽ không bắt đầu sản xuất cho đến khi biết chính xác yêu cầu của khách hàng. Thiết kế và sản xuất diễn ra đồng thời, với sự hợp tác nhanh chóng, phản hồi kịp thời và giao tiếp từ các nhà cung cấp.
6. Tích hợp công nghệ để quản trị toàn diện chuỗi cung ứng hiệu quả
ERP là giải pháp quản lý mà các doanh nghiệp có thể áp dụng để tối ưu hóa và điều chỉnh các quy trình liên quan đến logistics và chuỗi cung ứng. Hệ thống này tích hợp mô-đun quản lý chuỗi cung ứng, giúp tự động hóa các quy trình sau:
- Hợp tác: Kết nối thời gian thực với các đối tác cung cấp, nhà sản xuất và khách hàng để tối ưu hóa quản lý hàng tồn kho, cải thiện quan hệ khách hàng và điều chỉnh cung cầu một cách hiệu quả.
- Lập kế hoạch: Dựa trên dữ liệu hiện có trong hệ thống, xây dựng kế hoạch vận hành nhằm tối ưu hóa sử dụng nguồn lực, cải thiện luồng nguyên liệu và hỗ trợ quyết định kinh doanh.
- Phối hợp: Đồng bộ hóa luồng thông tin giữa các đơn vị kinh doanh và các bên liên quan, cải thiện giao tiếp và hiệu suất sản xuất.
- Thực thi: Đảm bảo thực hiện các kế hoạch chuỗi cung ứng một cách tối ưu nhất để đáp ứng nhu cầu của khách hàng và giảm thiểu các vấn đề liên quan đến chất lượng.
FPT IS, với hơn 20 năm kinh nghiệm, là đơn vị cung cấp và triển khai giải pháp ERP hiện đại, được nhiều doanh nghiệp logistics lớn nhỏ tin tưởng và lựa chọn. Các doanh nghiệp như Công ty cổ phần Logistics Hàng không (ALS) và Tập đoàn Stavian đã áp dụng thành công ERP để tối ưu hóa quản lý và phát triển chuỗi cung ứng.
Phần mềm ERP cung cấp các tính năng quản lý đơn hàng và chuỗi cung ứng không chỉ trong lĩnh vực logistics mà còn cả sản xuất, giao nhận và vận chuyển nguyên vật liệu, thành phẩm tại các kho bãi. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể tự động hóa nhiều quy trình trong hoạt động vận chuyển và giao nhận hàng hóa, giúp tăng cường hiệu quả và tính cạnh tranh trên thị trường.
Nắm vững và triển khai hiệu quả chiến lược chuỗi cung ứng, doanh nghiệp không chỉ tối ưu hóa chi phí và nâng cao năng suất mà còn đảm bảo sự linh hoạt, sẵn sàng ứng phó với mọi biến động thị trường.