eKYC, giải pháp thu hút khách hàng online trong ngành tài chính ngân hàng

eKYC, giải pháp thu hút khách hàng online trong ngành tài chính ngân hàng

Giải pháp eKYC (electronic Know Your Customer) mở ra một thị trường vô cùng tiềm năng. Theo báo cáo của FnF Research, thị trường eKYC toàn cầu ước tính đạt 257,23 triệu USD vào năm 2019 và dự kiến đạt 1.015,36 triệu USD vào năm 2026, đồng thời dự kiến sẽ phát triển với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) lên tới 22% cho đến năm 2027.

Sơ lược về eKYC

 Đại dịch Covid-19 tạo ra bước ngoặt lớn trong ngành tài chính ngân hàng toàn cầu do nhu cầu của khách hàng đã chuyển dịch rất mạnh từ trực tiếp sang trực tuyến. Do đó, trong tương lai gần sẽ tạo ra một cuộc đua giành thị phần thông qua giải pháp số giữa các doanh nghiệp trong ngành. Việt Nam cũng không ngoại lệ.

 Trong hai năm đại dịch từ 2020 đến năm 2021, các chỉ thị cách ly và giãn cách đã khiến hàng loạt trung tâm giao dịch của ngân hàng đóng cửa đồng nghĩa với hạn chế phát triển được khách hàng mới và chăm sóc khách hàng cũ.

 Điều này tạo ra thách thức lớn cho ngành về nhiệm vụ đạt các mục tiêu duy trì và tăng trưởng. Tuy nhiên thực tế cho thấy một số ngân hàng gặt trái ngọt khi vẫn thu hút lượng lớn khách hàng nhờ giải pháp số “eKYC”. Vậy eKYC là gì? Tại sao ứng dụng eKYC lại giúp ngân hàng thu hút lượng lớn khách hàng, kể cả trong thời gian giãn cách xã hội?

 eKYC (electronic Know Your Customer) là định danh khách hàng điện tử, giải pháp này cho phép định danh khách hàng trực tuyến tự động mà không cần phải gặp mặt thông qua công nghệ được áp dụng gồm kiểm tra, đối chiếu thông tin cá nhân tức thì với cơ sở dữ liệu tập trung về danh tính người dùng, xác thực sinh trắc học (Biometrics Authentication), nhận diện khách hàng bằng trí tuệ nhân tạo (AI),… Trong Ngành ngân hàng việc định danh khách hàng được thực hiện trong quá trình khách hàng mở tài khoản.

eKYC
Hình 1: Điểm khác biệt giữa KYC và eKYC

So sánh Nhật ký khách hàng (customer journal) giữa việc sử dụng định danh truyền thống và điện tử thấy sự khác biết rõ rệt. Đối với mô hình truyền thống để mở tài khoản thì khách hàng cần phải đến một văn phòng đại diện của tổ chức tài chính ngân hàng, xếp hàng chờ đến lượt, điền và xuất trình giấy tờ, cuối cùng nhân viên giao dịch sẽ định danh khách hàng thủ công. Quá trình này có lẽ có thể tốn một vài giờ đồng hồ.

Ngược với định danh khách hàng truyền thống nói trên, khách hàng có thể tự mở tài khoản trực tuyến sử dụng công nghệ eKYC chỉ trong một vài phút với một vài bước thao tác đơn giản: mở web hoặc mobile app, điền thông tin, chụp giấy tờ định danh của mình (căn cước công dân, chứng minh nhân dân hoặc passport, v/v), thực hiện một số thao tác nhận diện khuôn mặt, và như vậy một tài khoản ngân hàng đã được tạo ra.

Đây là trải nghiệm vô cùng thuận tiện, và cũng là lý do mà khách hàng tìm đến các ngân hàng có dịch vụ eKYC mở tài khoản trong giai đoạn đại dịch với việc tránh tiếp xúc là ưu tiên hàng đầu.

Lợi ích do ứng dụng eKYC mang lại

 eKYC ngoài việc thu hút khách hàng còn mang lại nhiều giá trị trên các khía cạnh khác nhau cho các tổ chức tài chính ngân hàng, như:

 1. Nhanh gọn và hiệu quả hơn: như đã giải thích phía trên chỉ cần một vài phút mở một tài khoản mà không phải đợi chờ và có thể mở tài khoản 24/7, không gặp bất cứ rào cản nào trừ việc cần phải có internet.

 2. Tiết kiệm chi phí: so sánh giữa hai hình thức truyền thống và eKYC có thể thấy tiết kiệm được các khoản chi phí nào: thời gian, giấy tờ, nhân lực.

 3. Hạn chế rủi ro gian lận: hạn chế được những rủi ro do con người khó phát hiện như làm giả CMND, lừa đảo, rửa tiền,…

 4. Tăng trải nghiệm khách hàng: Chắc chắn eKYC sẽ là trải nghiệm mà đa số khách hàng hài lòng vì họ không mất thời gian, công sức đi lại giao dịch đồng thời nhận được kết quả có tài khoản nhanh chóng. Mặt khác còn giảm rủi ro việc mất mát giấy tờ khi phải đem theo trong hình thức mở tài khoản truyền thống.

Ứng dụng eKYC tại Việt Nam

Từ tháng 7/2020 một số ngân hàng đã tiên phong sử dụng công nghệ này như TPBank, VPBank, HDBank, Viet Capital Bank, NCBank, LienVietPostBank,… Năm 2021 nhiều ngân hàng khác tiếp tục triển khai dịch vụ mở tài khoản trực tuyến sử dụng eKYC như BIDV, VietcomBank, v/v.

 Trong đó một số con số nổi bật như TPBank thu hút 30.000 khách hàng mở tài khoản trực tuyến, tương đương 85% số lượng khách hàng đăng ký mở tại quầy giao dịch hoặc tại LiveBank theo cách truyền thống; HD Bank có hơn 15.000 tài khoản đã thực hiện xác thực điện tử sau 1 tháng triển khai,…

 Đối với các Ngân hàng, dịch vụ tài chính đang chậm hoặc chưa triển khai thì nên nhanh chóng triển khai để dành lại thị phần cũng như giảm chi phí và nâng cao hiệu quả trong kinh doanh khi mà dịch bệnh vẫn đang tiếp diễn một cách phức tạp chưa có hồi kết. Hiện tại trên thị trường có nhiều giải pháp eKYC có sẵn và các hệ thống này đều có thể tích hợp dễ dàng nên các ngân hàng, dịch vụ tài chính có thể dễ dàng triển khai nhanh chóng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *