Chắc hẳn bạn đọc đã có lần nghe qua khái niệm “giấm gạo”. Vậy, giấm gạo là gì? Giấm gạo có mang lại lợi ích cho sức khỏe hay đơn thuần chỉ là một gia vị nấu ăn thông thường?
Đúng như cái tên của mình, giấm gạo được làm từ gạo lên men và là một trong những lựa chọn yêu thích của các gia đình Châu Á. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp tới bạn đọc một số thông tin thú vị về giấm gạo cũng như tác dụng tuyệt vời của loại gia vị này, mời bạn đọc chú ý theo dõi.
Giấm gạo là gì? Có bao nhiêu loại giấm gạo?
Giấm gạo là loại gia vị được làm từ những hạt gạo lên men, có dạng lỏng, màu trắng hoặc vàng nhạt. Đôi khi giấm gạo cũng có màu đen hoặc đỏ và có nồng độ axit axetic ở trạng thái lỏng khoảng 5%. Thông thường, giấm gạo hay được sử dụng để nấu ăn hoặc để làm gia vị.
Sau giấm trắng thì giấm gạo chính là loại giấm phổ biến thứ 2 tại Việt Nam. Giấm có vị chua dịu nhẹ tùy vào loại gạo được sử dụng để làm giấm. Do đó, nếu như bạn không thích vị hăng của giấm thông thường thì hãy chuyển qua sử dụng giấm gạo.
Bên cạnh đó, chúng ta có thể sử dụng nhiều loại gạo khác nhau để làm giấm gạo, chính vì thế mà giấm gạo cũng có nhiều loại như:
- Giấm gạo trắng: Giấm gạo trắng được làm từ rượu gạo, có màu vàng nhạt hoặc trắng trong suốt, giấm gạo trắng có độ acetic rất cao và đặc biệt được sử dụng nhiều ở các nước Châu Á.
- Giấm gạo đỏ: Giấm gạo đỏ được làm từ loại gạo đỏ. Do được sản xuất tại Trung Quốc nên loại giấm này thường được gọi với cái tên là giấm Tiều hay giấm Tàu. Giấm đỏ có mùi vị rất đặc trưng và thường được sử dụng trong các món ăn của Trung Quốc.
- Giấm gạo đen: Được làm từ gạo nếp than, giấm gạo đen có vị chua nhẹ hơn giấm đỏ nhưng mùi vị lại nồng hơn. Giấm gạo then thường được sử dụng để làm nước chấm hoặc ướp với đồ ăn.
Có nhiều loại giấm gạo và mỗi loại đều mang hương vị riêng đặc trưng. Kèm theo đó là những công dụng khác nhau tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, giấm gạo rất dễ bị nhầm lẫn với một số loại giấm khác như giấm trắng, giấm hoa quả. Nhìn chung, giấm gạo được làm từ gạo tẻ sẽ có màu vàng nhạt, còn giấm sẽ có màu đỏ hoặc đen nếu được làm từ gạo lứt màu đỏ hoặc gạo nếp than. Riêng các loại giấm hoa quả sẽ được làm từ một số loại trái cây lên men và có mùi đặc trưng, phần lớn, giấm hoa quả sẽ là giấm táo, giấm thơm hoặc giấm chuối.
Giấm gạo có tốt không? Một số tác dụng của giấm gạo
Chúng ta thường thấy, giấm được ứng dụng nhiều để làm gia vị hoặc nấu ăn. Tuy nhiên, giấm càng để lâu sẽ càng tốt, giấm để lâu sẽ được gọi là “hắc thố” hay “trần thố” và được ứng dụng cả trong việc điều trị bệnh. Giấm gạo có thể vừa là vị thuốc, vừa là phụ liệu để chế biến các vị thuốc giúp làm gia tăng tác dụng chữa bệnh.
Theo Đông Y, giấm gạo có vị chua, đắng và hơi ôn, có tác dụng tốt trong việc dẫn thuốc vào can, hành thủy tiêu thũng, lý khí chỉ huyết, tán ứ chỉ thống và giúp cho cơ thể giải độc. Bên cạnh đó, giấm gạo còn có công năng giúp hoạt huyết, tán ứ, điều vị tiêu thực, phá kết tích, giải độc sát khuẩn. Người bệnh có thể dùng giấm gạo trong các trường hợp bị cảm cúm hay rối loạn tiêu hóa, xơ cứng động mạch, tăng huyết áp, vàng da huyết áp, thổ huyết hay lở ngứa,… với liều lượng phù hợp. Do đó mà có thể khẳng định, dù sử dụng như thế nào thì giấm gạo cũng rất tốt cho sức khỏe.
Cách làm giấm gạo tại nhà
Làm giấm gạo tại nhà không hề khó, để làm giấm gạo, trước tiên bạn sẽ cần chuẩn bị: 1kg, gạo trắng, đường trắng, 400g men bia, 2 quả trứng gà, 1.5 lít nước sạch.
Thực hiện làm giấm gạo:
- Bước 1: Đầu tiên, bạn hãy vo sạch gạo rồi nấu thành cơm, sau đó, ngâm cơm này vào nước và để qua đêm. Tiếp đó, bạn dùng 1 mảnh vải sạch để bọc cơm lại, vắt thật kỹ để lấy hết nước ở gạo. Bỏ đường vào nước này theo tỷ lệ 4:2, tức là cứ 4 bát nước thì sẽ cho 2 bát đường. Rồi đun hỗn hợp nước vừa vắt này trong khoảng 30 phút.
- Bước 2: Sau khi nước cơm và đường đã nguội thì bạn cho men bia vào theo tỷ lệ 1:1. Cứ như vậy, sau 4 tuần bạn sẽ có một bình giấm gạo trắng.
Tương tự với công thức trên, bạn cũng có thể áp dụng với gạo đỏ và gạo nếp than.
Giấm gạo là loại gia vị rất tốt cho sức khỏe, trong Đông Y, loại giấm này còn được áp dụng vào một số bài thuốc hay giúp hỗ trợ giảm triệu chứng cho các bệnh nguy hiểm như bệnh xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành, bệnh tăng huyết áp,…
Mặc dù rất tốt cho sức khỏe nhưng người dùng sẽ không thể sử dụng giấm gạo một cách bừa bãi mà chỉ nên dùng theo liều lượng được khuyến nghị. Bên cạnh đó, các đối tượng như người mắc các bệnh ngoại cảm, trạng thái thần kinh bị bại liệt, co giật hay phong thấp sẽ cần thật thận trọng khi sử dụng, tốt nhất là nên kiêng kỵ. Bên cạnh đó, người dùng cũng không nên bảo quản các bài thuốc, đồ ăn có chứa giấm gạo bằng các dụng cụ làm từ đồng.
Bảo quản giấm gạo đúng cách
Việc chúng ta bảo quản thực phẩm chưa đúng cách không những khiến cho thực phẩm nhanh bị hỏng, biến chất mà còn khiến cho cơ thể của chúng ta có thể gặp các tác dụng không mong muốn, sinh ra bệnh tật. Nếu nhà bạn có sử dụng giấm gạo, bạn không nên bỏ qua cách để bảo quản giấm gạo.
Sau khi đã có giấm gạo khoảng 4 tuần (giấm gạo tự làm) thì bạn hãy lấy lòng trắng của 2 quả trứng gà và cho vào giấm, đun cho sôi lên một lúc rồi dùng rây vớt hết lòng trắng trứng gà ra. Sau đó, để cho giấm nguội rồi cho vào lọ thủy tinh để bảo quản lâu dài.
Bạn chỉ nên bảo quản giấm gạo với các loại chai, lọ hay hũ thủy tinh. Không bảo quản giấm bằng chai nhựa vì giấm có thể hòa tan một số chất độc hại có trong chai nhựa. Đồng thời, không bảo quản giấm gạo trong ang sành, ang sành được làm từ nguyên liệu là đất nung khi gặp giấm có khả năng bị thôi nhiễm cao. Giấm không được bảo quản đúng khi sử dụng sẽ khiến cho sức khỏe bị ảnh hưởng, người dùng có thể gặp một số tác dụng không mong muốn như ngộ độc, đau bụng,…
Giấm gạo không đơn giản là một loại gia vị mà giấm gạo còn là nguyên liệu của nhiều những bài thuốc quý giúp hỗ trợ điều trị một số những bệnh lý phức tạp. Quan trọng là người dùng cần bảo quản giấm gạo đúng cách, tránh bảo quản sai, bảo quản không cẩn thận khiến cho giấm gạo biến chất, có thể gây hại đến sức khỏe khi sử dụng.