“Going green” đang trở thành một đề tài được khách du lịch và người người làm kinh doanh khách sạn quan tâm. Nhiều khách sạn Việt nam cũng bắt đầu có những thay đổi nhằm phù hợp với các tiêu chí “xanh”. Liệu “Going green” chỉ là một trào lưu nhất thời hay trở thành một xu hướng phát triển bền vững mà ngành du lịch nên hướng tới? Cùng Chondungnhat tìm hiểu nhé!
“Going green” trong ngành khách sạn là gì?
“Going green” hay còn gọi là “thực hành xanh” được hiểu là các khách sạn cố gắng trở nên thân thiện với môi trường hơn bằng việc tiết kiệm năng lượng, nguồn nước và tạo ra văn hóa “xanh” trong phục vụ mà vẫn đảm bảo chất lượng dịch vụ.
Các tiêu chí “going green” trong khách sạn
Kinh doanh dịch vụ lưu trú là một trong những hoạt động du lịch có tác động không nhỏ đến môi trường. Chính vì vậy để hướng đến bảo vệ môi trường và đồng thời cũng nhằm mục tiêu kinh doanh bền vững hơn, các khách sạn luôn cố gắng cải thiện những vấn đề như:
– Quản lý năng lượng, nước, chất thải và không khí
Khách sạn có thể thay đổi bằng cách xây dựng hệ thống quản lý năng lượng, quản lý nước, chất thải và không khí tốt cho môi trường. Có thể đưa ra ví dụ cụ thể đối với vấn đề nước thải: Các khách sạn xả ra một lượng nước thải đáng kể từ các máy giặt, bồn rửa tay, vòi sen, nhà tắm và nước từ máng xối, hoặc là nước thải từ các nhà vệ sinh và nước rửa chén bát của nhà bếp.
Hầu như những loại nước thải này rất ít được xử lý. Việc lý nước thải xử lý không tốt có thể gây nên ô nhiễm nguồn đất, nước và suy thoái các nguồn tài nguyên du lịch.
Để giải quyết vấn đề nước thải các khách sạn có thể hướng đến sử dụng bột giặt và các chất tẩy rửa dễ phân huỷ bằng sinh học tương thích với các công nghệ xử lý nước thải; Giảm tối thiểu việc sử dụng Clo, các chất tẩy quần áo, các loại bột giặt và các hoá chất khác, Sử dụng công nghệ xử lý để đảm bảo tất cả nước thải được xử lý tốt trước khi thải vào môi trường.
– Các hoạt động liên quan đến phân phối dịch vụ
Đối với đồ dùng 1 lần trong khách sạn như: lược, bàn chải đánh răng, dao cạo râu, sữa tắm, dầu gội… được thay thế bằng các chất liệu thân thiện với môi trường.
Các sản phẩm kinh doanh hữu hình khác cũng sẽ được đóng gói bằng bao bì giấy dễ phân hủy. Đặc biệt các khách sạn nói không với nguyên vật liệu từ động vật quý hiếm.
Theo thông tin mới đây, nằm trong nỗ lực giảm lượng rác thải, Ủy ban châu Âu dự kiến cấm sử dụng bộ dầu gội, sữa tắm đóng chai loại nhỏ trong các khách sạn gây ảnh hưởng lớn đến môi trường do sử dụng nhiều nhựa và giấy. Theo đó khách sạn sẽ cung cấp bộ vệ sinh cá nhân bằng các chai lớn, sử dụng nhiều lần và khách không thể mang về.
– Sự tham gia của đội ngũ nhân viên
Để khách sạn có thể thực hiện tốt mục tiêu “xanh” của mình không thể bỏ qua sự góp sức từ đội ngũ nhân viên. Khách sạn khuyến khích sự tham gia của nhân viên thông qua các buổi đào tạo, cuộc thi về duy trì vấn đề nhận thức trong văn hóa phục vụ.
“Going green” tại khách sạn Việt còn là trào lưu hay dần trở thành xu hướng?
“Going green” xuất hiện và trở thành một trào lưu được nhiều khách sạn ở Việt Nam đón nhận nhằm mục đích quảng cáo hay đánh bóng tên tuổi của mình.
Dần dần “going green” đã phần nào tác động đến du khách cũng như người làm công tác quản lý khách sạn, giúp họ có trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường một cách bền vững.
Cũng chính từ đó khách sạn ngày càng chủ động hơn trong việc tìm kiếm và áp dụng những giải pháp “xanh” trong hoạt động kinh doanh của mình.
Các cơ quan quản lý, người làm kinh doanh du lịch Việt nam đang dần hướng đến mục tiêu “phủ xanh” các khách sạn, tuy nhiên vẫn còn những rào cản đáng kể về vốn đầu tư, địa điểm, quy định, hướng dẫn thực hiện và sự tham gia của nhân viên.
Dù hiểu rõ việc đầu tư vào các thiết bị tiêu thụ năng lượng hiệu quả sẽ tiết kiệm chi phí trong dài hạn nhưng do chi phí ban đầu cao sẽ khiến các doanh nghiệp khó khăn trong việc kêu gọi đầu tư. Ngoài ra, các khách sạn có vị trí tại các thành phố lớn, đông dân cư cũng cũng gặp khó khăn trong việc xây dựng không gian xanh.
Bên cạnh đó việc thiếu hướng dẫn và đồng hành của đơn vị trung ương và chính quyền địa phương khiến các doanh nghiệp chưa thể thực hiện đồng bộ và hiệu quả trong việc kết hợp vận hành kinh doanh và thực hành bền vững.
Trước những rào cản này thì các khách sạn nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung cần nỗ lực hơn nữa, bắt đầu thực hiện từ những vấn đề nhỏ như những cải tổ trong loại hình dịch vụ và nhận thức của đội ngũ nhân viên trước khi hướng đến mục tiêu “phủ xanh” bền vững ngành khách sạn trong tương lai.
Qua đây có thể khẳng định rằng “Going green” đã và đang trở thành một xu hướng trong ngành dịch vụ lưu trú tại nhiều quốc gia và ngành khách sạn tại Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng phát triển này.