Hiện nay, xu hướng lắp đặt hệ thống thông gió ngày càng phổ biến tại các công ty và khu vực nhà dân. Hệ thống này giữ vai trò quan trọng bảo đảm không khí được luân chuyển trong không gian, mang đến nguồn khí trong lành và loại bỏ không khí ô nhiễm. Để hiểu rõ hơn về hệ thống thông gió, bạn hãy cùng Chondungnhat tìm hiểu một số thông tin qua bài viết dưới đây.
1. Hệ thống thông gió là gì?
Công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngày càng phát triển để đáp ứng được nhu cầu của con người. Do đó hiện nay nhiều quá trình sản xuất được hình thành, các tòa nhà cao tầng, nhà máy công nghiệp được xây dựng nhiều hơn. Kéo theo đó là sự thay đổi về khí hậu, môi trường sống ngày càng ô nhiễm gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.
Hệ thống thông gió trong tòa nhà
Để đảm bảo chất lượng sống, loại bỏ hoặc giảm thiểu khí độc hại nên hệ thống thông gió được ra đời. Hệ thống này là một cấu trúc đường ống được kết nối với nhau, có nhiệm vụ trao đổi, lưu thông luồng không khí trong các không gian hạn chế như tòa nhà, nhà xưởng, nhà ở, hầm đỗ xe…. Nhằm loại bỏ khói bụi, nấm mốc, mùi hôi, hơi nóng và cung cấp nguồn khí sạch, duy trì độ ẩm, kiểm soát nhiệt độ luôn ổn định.
2. Vai trò, mục đích của hệ thống thông gió
2.1. Vai trò của hệ thống thông gió
Chúng ta dễ dàng bắt gặp hệ thống thông gió ở nhiều nơi như: nhà ở, trường học, bệnh viện, nhà xưởng và các tòa nhà cao tầng… Đây đều là những nơi có không gian rất ngột ngạt, bức bối vì thiếu cây xanh. Lúc này, hệ thống có vai trò rất quan trọng giúp không khí được tuần hoàn, lưu thông, lượng oxi sạch được thổi vào bên trong, thay thế cho lượng khí bị ô nhiễm. Nhờ đó, mà không gian quanh bạn luôn được làm sạch và trong lành hơn.
Một vai trò nữa của hệ thống thông gió không thể không nhắc tới, đó là giúp hạn chế ngăn ngừa được mầm bệnh trong môi trường. Những sinh vật có hại luôn tồn tại trong không khí mà mắt thường không thể nhìn thấy được, nhưng lại có sức đe dọa và ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Khi tồn tại quá lâu trong không gian khép kín, chúng sẽ sản sinh ra các mầm bệnh. Lúc này, hệ thống sẽ kiểm soát được độ ẩm, ngăn chặn sự phát triển mầm bệnh nhờ vậy sức khỏe của con người được nâng cao.
Trong các khu vực công cộng nhiều người ra vào hay các văn phòng đông người, nếu không được vệ sinh sạch sẽ tạo nên mùi hôi khó chịu gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Khi lắp đặt hệ thống thông gió sẽ giúp giảm đáng kể mùi khó chịu, ô nhiễm như: mùi thuốc lá, mùi ẩm mốc…và điều tiết độ ẩm khiến bầu không khí được trong lành hơn.
Bên cạnh giữ gìn môi trường sống, bảo vệ sức khỏe cho con người, việc làm giảm độ ẩm trong không khí giúp bảo vệ máy móc, thiết bị và nhiều vật dụng khác trong các nhà máy, xưởng sản xuất… Vì thế, có thể thấy rằng việc lắp đặt hệ thống thống thông gió là điều rất cần thiết trong cuộc sống hiện đại ngày nay.
Hệ thống thông gió có vai trò rất quan trọng trong cuộc sống hiện đại
2.2. Mục đích của hệ thống thông gió
Mục đích chính của hệ thống thông gió là loại bỏ các chất độc hại trong phòng ra ngoài. Chất độc hại gồm nhiều loại, nhưng phổ biến nhất vẫn là khí CO2 có trong không gian sinh hoạt. Ngoài ra, hệ thống này còn được áp dụng vào nhiều mục đích khác như:
- Cung cấp lượng khí tươi sạch và oxi cần thiết cho sinh hoạt của con người.
- Thải nhiệt và độ ẩm thừa trong phòng ra bên ngoài.
- Trong một số trường hợp đặc biệt, hệ thống thông gió có khả năng khắc phục các sự cố hỏa hoạn hoặc tránh lây lan chất độc hại.
3. Phân loại hệ thống thông gió
Dựa theo các tiêu chí riêng biệt, hệ thống thông gió sẽ được phân chia thành nhiều loại khác nhau. Trong đó, có 4 loại hệ thống phổ biến sau:
3.1. Theo hướng chuyển động của gió
Dựa theo tiêu chí này, hệ thống thông gió được chia thành 3 loại sau đây:
3.1.1. Thông gió kiểu thổi
Thổi luồng khí sạch vào phòng và không khí trong phòng sẽ được thải ra bên ngoài qua các khe hở của phòng nhờ sự chênh lệch cột áp. Ưu điểm của loại thông gió này có tốc độ gió luân chuyển thường lớn và có khả năng cấp gió đến các vị trí cần thiết, nơi tập trung đông người hoặc có nhiều nhiệt độ ẩm cao. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là do áp suất trong phòng là dương nên gió tràn ra mọi hướng và có thể tràn vào các khu vực không mong muốn.
3.1.2. Thông gió kiểu hút
Nhờ chênh lệch cột áp nên không khí trong và ngoài sẽ bị hút xả theo các khe hở hoặc thông qua các cửa lấy gió tươi. Thông gió kiểu hút xả sở hữu ưu điểm là có thể hút trực tiếp không khí tại vị trí phát sinh ô nhiễm, không cho phát tán ra các vị trí khác trong phòng. Do đó, lưu lượng thông gió không yêu cầu quá lớn mà vẫn đạt hiệu quả cao.
Tuy nhiên phương pháp này có nhược điểm là tuần hoàn gió trong phòng rất thấp, không đáng kể. Mặt khác không khí tràn vào phòng khá tự do, khó có thể kiểm soát được chất lượng gió vào phòng và những vị trí gió có thể tràn vào.
3.1.3. Thông gió kết hợp
Kết hợp cả hút xả lẫn thổi vào phòng, đây là phương pháp được đánh giá hiệu quả. Hệ thống thông gió này gồm hệ thống quạt hút và thổi. Vì vậy có thể chủ động hút không khí ô nhiễm tại những nơi phát sinh chất độc và cấp luồng khí sạch cho những vị trí yêu cầu cần gió tươi lớn nhất.
Phương pháp này hội tụ các ưu điểm của hai phương pháp nêu trên, nhưng loại trừ các hạn chế của hai kiểu cấp gió đó. Vì đây phương pháp kết hợp, nên có nhược điểm là chi phí đầu tư cao hơn.
Hệ thống thông gió xuất hiện rộng rãi ở nhiều khu vực
3.2. Theo động lực tạo ra thông gió
Xét về mặt động lực tạo ra thông gió thì hệ thống thông gió hình thức này có hai loại:
- Thông gió tự nhiên: Là hiện tượng trao đổi không khí bên trong và ngoài trời nhờ chênh lệch cột áp. Thông thường cột áp được tạo ra có sự chênh lệch nhiệt độ giữa bên ngoài và bên trong.
- Thông gió cưỡng bức: Quá trình thông gió thực hiện bằng ngoại lực, tức là sử dụng thiết bị quạt.
3.3. Theo phương pháp tổ chức
Hiện tại có hai hình thức thông gió chính là thông gió tổng thể và thông gió cục bộ.
- Thông gió tổng thể cho toàn bộ phòng hoặc công trình.
- Thông gió cục bộ: Thông gió cho một khu vực nhỏ được chỉ định hoặc các phòng chứa nhiều chất thải độc hại.
3.4. Theo mục đích
Tùy thuộc vào mục đích sử dụng, sẽ có các hệ thống thông gió tương thích như sau:
- Thông gió bình thường: Với mục đích này thì hệ thống loại bỏ nhiệt độ, độ ẩm thừa, bụi bẩn, nấm mốc và cung cấp oxy sạch cho người dùng.
- Thông gió dùng cho sự cố: Hầu hết các công trình lớn đều lắp đặt hệ thống thông gió nhằm khắc phục vấn đề khi có sự cố. Ngoài ra thường dùng để phòng ngừa tai nạn tràn hóa chất. Khi có vấn đề, hệ thống sẽ ngăn chặn khí độc tới nơi cần thiết.
- Thông gió dùng trong hỏa hoạn: Hệ thống sẽ tạo ra áp lực dương nhằm ngăn lửa không đến các khu vực lối thoát hiểm và cầu thang. Và chỉ khi khẩn cấp, hệ thống mới được kích hoạt.
4. Cách lắp đặt hệ thống ống thông gió đảm bảo tiêu chuẩn
Cho tới thời điểm hiện tại, hệ thống ống thông gió có 2 loại chính là: hệ thống thông gió tự nhiên và hệ thống thông gió cơ khí.
4.1. Hệ thống thông gió tự nhiên
Ưu điểm của hệ thống ống thông gió này là giá thành rẻ và có thể áp dụng được với không gian nhỏ. Bên cạnh đó, nhược điểm của hệ thống ống thông gió này là hiệu suất không cao và không đạt được tính thẩm mỹ. Với hệ thống này, bạn có thể tự thiết kế và xây dựng thông qua các thiết bị được gắn trên mái nhà hoặc các ô cửa như quạt gió, ô thoáng.
4.2. Hệ thống thông gió cơ khí
Đây là hệ thống ống thông gió được áp dụng cho rất nhiều các công trình lớn như nhà xưởng, xí nghiệp, các tòa nhà cao tầng. Hệ thống này sẽ chủ động hút không khí từ bên ngoài vào và tiến hành đẩy lượng không khí cũ ra ngoài môi trường. Ưu điểm của hệ thống này là có tính thẩm mỹ cao, hiệu suất thông gió tốt.
Tuy nhiên, hệ thống thông gió cơ khí này đòi hỏi người thi công có kỹ thuật phải tốt và chi phí sẽ cao hơn so với hệ thống thông gió tự nhiên. Tùy theo điều kiện kinh tế của mỗi gia chủ, cũng như không gian lắp ống thông gió thì người ta có thể lắp đặt hệ thống trên trần nhà, mái nhà hay hệ thống tầng hầm, các nhà máy sản xuất và lọc hóa dầu…
5. Các yếu tố giúp gia tăng hiệu quả thông gió
Để giúp gia tăng hiệu quả thông gió, hút mùi thì trước khi lên phương án thiết kế thi công hệ thống thông gió, người dùng cần lưu ý các yếu tố sau:
- Tính toán chính xác diện tích không gian lắp đặt để lựa chọn công suất và lưu lượng khí phù hợp.
- Đo đạc, tính toán xác định vị trí cửa sổ và cửa thông gió phù hợp để kết hợp lấy gió, thông khí trong nhà.
- Để đảm bảo hiệu quả thông gió, cần lựa chọn loại ống dẫn phù hợp với kích thước ống của máy. Nếu lựa chọn ống có kích cỡ to quá sẽ dẫn đến thất thoát lượng gió và giảm hiệu quả cấp hút khí. Ngược lại, nếu đường ống quá nhỏ so với kích thước đầu ống sẽ dẫn đến bị rít gió, tăng ồn.
- Không nên để đường ống quá xa, nếu đường ống quá dài sẽ dẫn đến lượng gió bị thất thoát.
6. Tổng kết
Trên đây là toàn bộ thông tin tổng quan, cũng như ưu điểm vượt trội được của hệ thống thông gió. Đặc biệt, hệ thống này đã và đang được ứng dụng rất nhiều trong các công trình lớn nhỏ tại Việt Nam. Hy vọng với những kiến thức trong bài viết, Chondungnhat đã giúp bạn hiểu rõ hơn về thống thông gió, từ đó đưa ra sự lựa chọn phù hợp với từng công trình.