Kinh doanh khách sạn là gì? Cần chuẩn bị gì để kinh doanh hiệu quả?

Kinh doanh khách sạn là gì? Cần chuẩn bị gì để kinh doanh hiệu quả?

Việt Nam là một đất nước có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành du lịch. Hiện nay, khi ngành du lịch ở Việt Nam ngày càng phát triển kéo theo ngành kinh doanh dịch vụ lưu trú bùng nổ theo. Kinh doanh khách sạn là một lĩnh vực đầy hấp dẫn nhưng cũng đầu thách thức. Vậy kinh doanh khách sạn là gì? Cần chuẩn bị những gì để kinh doanh khách sạn hiệu quả? Tất cả sẽ được  chia sẻ trong bài viết dưới đây.

1. Kinh doanh khách sạn là gì?

Khách sạn là cơ sở kinh doanh lưu trú của chủ đầu tư, có đầy đủ các tiện nghi đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong quá trình lưu trú tại khách sạn.

Kinh doanh khách sạn là hoạt động kinh doanh trên cơ sở cung cấp các dịch vụ lưu trú, ăn uống, vui chơi, giải trí và nhiều dịch vụ khác để đáp ứng mọi nhu cầu của họ tại các địa điểm du lịch nhằm thu lại lợi nhuận.

Kinh doanh khách sạn là gì?
Kinh doanh khách sạn là gì?

Kinh doanh khách sạn bao gồm hai loại hình là kinh doanh lưu trú và kinh doanh ăn uống. Kinh doanh lưu trú là hoạt động kinh doanh cung cấp các dịch vụ cho thuê buồng ngủ và các dịch vụ bổ sung khác cho khách trong thời gian lưu trú tạm thời tại các địa điểm nhằm mục đích có lãi. Kinh doanh ăn uống trong khách sạn là một phần trong kinh doanh khách sạn, bao gồm các hoạt động chế biến thức ăn và bán cho khách hàng để tạo ra lợi nhuận.

2. Đặc điểm của loại hình kinh doanh khách sạn

– Phụ thuộc vào tài nguyên tại các địa điểm du lịch: Tài nguyên du lịch là yếu tố thúc đẩy con người đi du lịch. Địa điểm nào càng có nhiều tài nguyên du lịch đẹp thì càng có nhiều người ghé thăm. Do đó, kinh doanh khách sạn ở những khu vực đó sẽ càng phát triển vì khách du lịch là đối tượng khách hàng quan trọng nhất của các khách sạn. 

– Vốn đầu tư lớn: Chi phí thuê đất và xây dựng khách sạn ban đầu cũng như mua sắm thiết bị ban đầu rất lớn, đòi hỏi nhà đầu tư phải có một nguồn vốn đủ lớn để chi trả cho những khoản này. Chất lượng cơ sở vật chất của khách sạn phụ thuộc vào loại hình và thứ hạng mà khách sạn muốn hướng tới. Đây cũng là nguyên nhân làm cho chi phí đầu tư ban đầu tăng lên.

– Mang tính quy luật: Kinh doanh khách sạn chịu sự chi phối của nhiều yếu tố và còn mang tính thời vụ. Tài nguyên du lịch phụ thuộc vào những biến động của thiên nhiên, ảnh hưởng bởi thời tiết khí hậu. Khi đó, nó gây ra những biến động theo mùa làm biến động số lượng khách du lịch đến với địa điểm đó. Từ đó dẫn đến sự thay đổi trong hoạt động kinh doanh khách sạn theo mùa.

– Sử dụng lao động trực tiếp lớn: Sản phẩm của ngành kinh doanh khách sạn là dịch vụ. Dịch vụ này được hiện hữu hóa bởi những nhân viên phục vụ trong khách sạn. Do vậy khách sạn phải sử dụng một số lượng lao động lớn, có chuyên môn để không ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ. Chi phí thuê và đào tạo lao động cũng là một thách thức đối với chủ kinh doanh khách sạn.

3. Các loại hình kinh doanh khách sạn hiện nay

Kinh doanh khách sạn ở Việt Nam hiện nay ngày càng phát triển với đa dạng các loại hình kinh doanh. Sau khi đã tìm hiểu kinh doanh khách sạn là gì và các đặc điểm của loại hình kinh doanh khách sạn, Sapo sẽ tiếp tục cùng bạn đọc đi tìm hiểu về các loại hình kinh doanh khách sạn hiện nay. Có nhiều căn cứ để phân chia khách sạn, phổ biến là các loại sau.

3.1 Căn cứ theo quy mô

Khi phân chia các loại hình khách sạn theo quy mô, khách sạn được phân chia thành 3 loại chính:

 Khách sạn nhỏ: kinh doanh khách sạn nhỏ hay còn gọi là kinh doanh khách sạn mini, có quy mô từ 10 đến 40 phòng ngủ với mục đích chính là cung cấp dịch vụ lưu trú cho khách hàng, ít khi có các dịch vụ đi kèm. Vì vậy, chi phí mà khách hàng phải trả cho khách sạn mini thường khá ít.

– Khách sạn vừa: Quy mô của khách sạn vừa thường có từ 40 đến 90 phòng ngủ, cung cấp thêm dịch vụ ăn uống và một số dịch vụ bổ sung khác. Các dự án kinh doanh khách sạn vừa thường rất phổ biến tại các địa điểm du lịch hoặc các khu vực nghỉ dưỡng. Loại hình này sẽ phải bỏ ra chi phí cao hơn khách sạn mini.

– Khách sạn lớn: Khách sạn lớn có số phòng lên tới 100 phòng thậm chí vài trăm phòng, cung cấp nhiều dịch vụ đi kèm đa dạng như ăn uống, vui chơi giải trí, spa,…Tại các khách sạn lớn, các thiết bị trong phòng thường hiện đại hơn, nhân viên chuyên nghiệp được đào tạo bài bản và chuyên nghiệp.

Căn cứ theo quy mô
Khách sạn lớn cung cấp nhiều dịch vụ đi kèm

3.2 Căn cứ theo mức độ liên kết

Bao gồm 2 loại:

– Khách sạn tập đoàn thường sở hữu nhiều khách sạn có mặt ở nhiều địa điểm du lịch khác nhau trên cùng một đất nước, thậm chí có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới. Dịch vụ ở các khách sạn này đa dạng với trang thiết bị hiện đại, không gian sang trọng, nhiều dịch vụ đi kèm với chi phí cao.

– Khách sạn độc lập thường chỉ có ở một địa điểm nhất định với quy mô nhỏ, giá cả vừa phải và chỉ cung cấp các dịch vụ thông thường.

3.3 Căn cứ theo vị trí địa lý

– Khách sạn thành phố có vị trí tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng,… với cơ sở hạ tầng hiện đại và đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp.

– Khách sạn nghỉ dưỡng là loại hình khách sạn được xây dựng tại các khu nghỉ dưỡng để phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi của khách hàng. Các khách sạn này thường có giá dịch vụ khác cao đi kèm với các dịch vụ chất lượng đáp ứng cho nhu cầu cần thư giãn, nghỉ ngơi của khách hàng. Giá dịch vụ của khách sạn nghỉ dưỡng thường cao hơn vào dịp lễ khi nhu cầu đi du lịch và nghỉ ngơi của người dân tăng lên đáng kể.

– Khách sạn ven đường được xây dựng ở các trục đường giao thông lớn hoặc các tuyến đường quan trọng. Loại khách sạn này chủ yếu phục vụ cho khách đi đường có nhu cầu nghỉ ngơi. Bên cạnh dịch vụ lưu trú, khách sạn ven đường còn cung cấp các dịch vụ ăn uống và bảo dưỡng phương tiện giao thông.

– Khách sạn quá cảnh là các khách sạn được xây dựng gần các sân bay, bến cảng hoặc khu vực cửa khẩu. Khách sạn này chủ yếu phục vụ các khách muốn quá cảnh hoặc cá nhân cần địa điểm lưu trí vì lịch trình thay đổi đột ngột.

4. Những đặc điểm cần lưu ý khi lập kế hoạch kinh doanh khách sạn

4.1 Sản phẩm kinh doanh

Kinh doanh khách sạn là hoạt động kinh doanh trong ngành dịch vụ, sản phẩm của loại hình kinh doanh này có tính vô hình nên điều kiện kinh doanh cũng phức tạp hơn. Khách hàng có xu hướng đánh giá về chất lượng dịch vụ thông qua các tiêu chí hữu hình như giá thành, môi trường, tiện ích, các loại dịch vụ đi kèm,… Đặc biệt, hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng rất nhiều bởi thái đội và sự chuyên nghiệp của nhân viên trong khách sạn.

4.2 Đối tượng khách hàng

Đối tượng khách hàng của ngành kinh doanh khách sạn khá đa dạng từ tầng lớp bình dân đến tầng lớp thượng lưu, do đó các loại hình kinh doanh khách sạn cũng đa dạng để phục vụ các loại khách. Tuy nhiên, bạn không thể lựa chọn kinh doanh tất cả các loại hình khách sạn để phục vụ đa dạng các loại khách hàng khác nhau.

Vì vậy, bạn cần nghiên cứu và xây dựng rõ đối tượng khách hàng mục tiêu của mình, nhu cầu của họ là gì để lựa chọn loại hình kinh doanh khách sạn phù hợp. 

5. Những điều cần chuẩn bị khi kinh doanh khách sạn

5.1 Vốn

Vốn là yêu cầu tiên quyết đối với mọi hoạt động kinh doanh, tất nhiên kinh doanh khách sạn cũng không ngoại lệ. Kinh doanh khách sạn đòi hỏi số vốn ban đầu rất lớn đầu tư về địa điểm, xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm nội thất, trả lương cho người lao động,…

Số vốn bỏ ra đầu tư vào kinh doanh khách sạn lớn nhưng thời gian thu hồi lại khá lâu. Vì vậy trước khi kinh doanh khách sạn, chủ đầu tư phải lập kế hoạch và chuẩn bị cho mình một số vốn đủ lớn để đủ chi trả các khoản trên

5.2 Nghiên cứu kỹ thị trường

Nhà đầu tư cần nghiên cứu thị trường để trả lời các câu hỏi: Khách hàng mục tiêu của khách sạn là ai? Tần suất họ ghé thăm khách sạn của bạn là bao nhiêu? Loại hình kinh doanh khách sạn mà bạn lựa chọn? Nên lựa chọn dịch vụ và giá cả ở mức độ nào?…

Số vốn mà chủ đầu tư bỏ ra ban đầu là rất lớn, vậy nên họ cần nghiên cứu thật kỹ thị trường để có những quyết định đầu tư thông minh, tránh các khoản thua lỗ.

5.3 Lựa chọn loại hình và địa điểm kinh doanh

Loại hình và địa điểm kinh doanh khách sạn là những yếu tố vô cùng quan trọng, góp phần vào quá trình tăng trưởng doanh thu khi kinh doanh. Khách hàng thường có xu hướng lựa chọn các cơ sở lưu trú gần các địa điểm du lịch, dễ dàng di chuyển để thuận tiện cho việc đi chơi.

Lựa chọn loại hình và địa điểm kinh doanh
Địa điểm kinh doanh ảnh hưởng đến quá trình tăng trưởng danh thu

5.4 Hoàn thiện các thủ tục cấp phép kinh doanh

Những yêu cầu về điều kiện kinh doanh khách sạn được yêu cầu trong các văn bản luật như: Luật Du lịch 2017 Nghị định số 168/2017/NĐ-CP và Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL. Bên cạnh giấy phép đăng ký kinh doanh, khách sạn còn phải đảm bảo các yếu tố về an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, an toàn vệ sinh thực phẩm, giấy chứng nhận xếp hạng sao khách sạn.

5.5 Tuyển dụng vào đào tạo nhân viên

Người lao động là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình kinh doanh khách sạn. Sự hài lòng của khách hàng đem lại danh tiếng, lợi nhuận và cơ hội phát triển cho khách sạn.

Trình độ chuyên môn và khả năng giao tiếp ảnh hưởng đến quá trình trải nghiệm dịch vụ của khách hàng tại khách sạn. Vì vậy, nếu không được đào tạo đúng cách sẽ khiến nhân viên đi chệch mục tiêu, tầm nhìn của khách sạn.

Tuyển dụng vào đào tạo nhân viên
Đào tạo nhân viên để chuyên nghiệp hóa quá trình làm việc

5.6 Lập chiến lược kinh doanh cụ thể

Trước khi bắt tay vào kinh doanh, chủ đầu tư cần có cho mình một kế hoạch kinh doanh chi tiết cùng với những chiến lược để phát triển công việc kinh doanh. Chiến lược kinh doanh khách sạn là một trong những yếu tố chủ chốt để tăng doanh số bán phòng cũng như tăng doanh thu hiệu quả.

Không chỉ vậy, một chiến lược kinh doanh tốt còn giúp bạn tạo ra trải nghiệm tốt cho khách hàng. Khi lập chiến lược, nhà đầu tư nên căn cứ vào các yếu tố về thị trường mục tiêu, phân khúc khách hàng, đối thủ cạnh tranh, xu thế thị trường,…

5.7 Sử dụng phần mềm quản lý khách sạn

Quá trình ứng dụng công nghệ vào hoạt động quản lý kinh doanh khách sạn đã không còn quá xa lạ. Sử dụng phần mềm quản lý khách sạn giúp quá trình quản lý và vận hành trở nên dễ dàng hơn. Tất cả các hoạt động từ thông tin khách hàng, thao tác nhân viên, phòng trống, doanh thu, báo cáo,…đều được đồng bộ trên phần mềm.

Chủ kinh doanh có thể dễ dàng theo dõi hoạt động từ xa trên các thiết bị di động khi vắng mặt tại quán. Không chỉ mang đến sự chuyên nghiệp mà còn giúp công việc kinh doanh đạt hiệu quả tốt hơn. 

Chúng tôi vừa chia sẻ đến các bạn những thông tin liên quan đến lĩnh vực kinh doanh khách sạn. Hy vọng qua bài viết này, bạn đã hiểu rõ hơn về kinh doanh khách sạn là gì? Các loại hình khách sạn hiện nay và làm thế nào để kinh doanh khách sạn hiệu quả. Chúc các bạn kinh doanh thành công!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *