Chúng ta thường biết đến mất nước như là một trong những biến chứng nghiêm trọng của tiêu chảy, sốt cao kéo dài, nôn ói,… Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân hơn thế dẫn đến mất nước. Mất nước nghiêm trọng có thể dẫn đến những hậu quả sức khỏe nặng nề. Tìm hiểu về nguyên nhân, phân độ mất nước và cách điều trị mất nước là việc vô cùng cần thiết.
Mất nước có nhiều mức độ khác nhau. Nếu mất nước ở mức độ nhẹ, chúng ta chỉ cần bù nước để phục hồi cơ thể. Nhưng nếu mất nước ở mức độ nghiêm trọng, sẽ có nhiều hậu quả đáng tiếc xảy ra thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng. Bài viết này sẽ giúp bạn tìm hiểu về phân độ mất nước, nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị.
Vai trò của nước với cơ thể và tình trạng mất nước
Trong cơ thể con người, tỷ lệ nước có thể chiếm đến 80%. Cụ thể, ở trẻ sơ sinh, lượng nước chiếm 75 – 80% trọng lượng cơ thể. Ở người trưởng thành, con số này khoảng 70% và ở người trên 60 tuổi, nước có thể chiếm 50% trọng lượng cơ thể.
Nước phân bố ở tất cả các cơ quan, bộ phận trên cơ thể, trong đó có đến 90% nước trong máu, 85% nước trong não, 82% nước trong thận, 75% nước trong cơ bắp và trong xương khoảng 22%. Nước là “nguyên liệu” cho các dịch trong cơ thể, từ máu, dịch tiêu hóa, nước tiểu,… Nước giúp cơ thể vận chuyển và hấp thụ các chất dinh dưỡng đồng thời loại bỏ các chất thải độc hại ra ngoài cơ thể.
Tình trạng mất nước xảy ra khi lượng nước thoát ra ngoài cơ thể lớn hơn lượng nước được nạp vào cơ thể. Điều này khiến cơ thể chúng ta bị thiếu nước, thiếu các chất điện giải để thực hiện các chức năng thông thường. Bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể bị mất nước, bất kể lứa tuổi hay giới tính nào. Mất nước cũng có nhiều mức độ và ở mức độ nghiêm trọng có thể đe dọa đến tính mạng con người.
Nguyên nhân phổ biến gây mất nước
Trước khi tìm hiểu về phân độ mất nước, chúng ta sẽ cùng lý giải nguyên nhân gây mất nước. Một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như:
Uống ít nước
Một người lớn trung bình có thể đào thải ra ngoài cơ thể gần 2,5 lít nước qua mồ hôi, đại tiểu tiện, hơi thở,… Nhưng nếu số lượng nước bị đào thải nhiều hơn trong khi không uống đủ nước (do bận rộn, không tiếp cận được nguồn nước, đang bị bệnh,…) có thể dẫn đến thiếu nước.
Tiêu chảy dữ dội và nôn ói
Tiêu chảy cấp, tiêu chảy dữ dội có thể gây mất nước và mất chất điện giải nhanh chóng. Nếu tiêu chảy kèm triệu chứng nôn mửa, mất nước và chất điện giải sẽ càng diễn ra nghiêm trọng hơn. Trẻ em và trẻ sơ sinh có nguy cơ mất nước do tiêu chảy và nôn ói cao nhất. Theo thống kê, mất nước là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em trên thế giới.
Ra quá nhiều mồ hôi
Ra quá nhiều mồ hôi cũng dẫn đến bị mất nước. Tình trạng này thường xảy ra luyện tập thể dục thể thao quá mức nhưng không “tiếp nước” cho cơ thể thường xuyên. Nhiều người bị mất nước vào những ngày hè do thời tiết nóng bức khiến cơ thể đổ nhiều mồ hôi.
Các nguyên nhân khác dẫn đến mất nước
Một số nguyên nhân khác cũng khiến cơ thể bị mất nước như:
- Sốt cao và kéo dài cũng khiến cơ thể mất nước. Tình trạng mất nước sẽ càng nghiêm trọng nếu kèm tiêu chảy và nôn mửa.
- Một số người mắc các bệnh lý dẫn đến tăng số lần đi tiểu cũng có thể bị mất nước. Một số bệnh phổ biến như bệnh tiểu đường, bệnh đái tháo nhạt có biểu hiện đặc trưng là khát nước, đi tiểu nhiều.
- Ở những bệnh nhân bị bỏng độ 2 đến độ 3, vết thương ảnh hưởng đến cả 3 lớp da, phá hủy tuyến mồ hôi, dây thần kinh và nang lông. Đây là những đối tượng thường bị mất nước, thậm chí có thể đe dọa đến tính mạng.
- Một số loại thuốc cũng có thể gây tác dụng phụ là tăng tiết mồ hôi, tăng tần suất đi tiểu dẫn đến mất nước như thuốc huyết áp, thuốc tâm thần, thuốc lợi tiểu, thuốc kháng histamin,…
Phân độ mất nước và triệu chứng của từng cấp độ
Tình trạng cơ thể mất nước có thể được phân thành 3 cấp độ khác nhau, căn cứ vào các dấu hiệu như: Tình trạng da, mạch, huyết áp, màu nước tiểu, tần suất đi tiểu, nhiệt độ chân tay, mức độ khát nước,… Cụ thể, phân độ mất nước như sau:
Dấu hiệu |
Mất nước cấp độ 1 |
Mất nước cấp độ 2 |
Mất nước cấp độ 3 |
Khát nước |
Ít |
Vừa |
Nhiều |
Tình trạng da |
Bình thường |
Khô |
Mất đàn hồi, nhăn nheo, mắt trũng |
Tình trạng mạch |
< 100 lần/phút |
100 – 120 lần/phút, mạch nhanh và nhỏ |
> 120 lần/phút, mạch rất nhanh, khó bắt |
Nhiệt độ cơ thể |
Bình thường |
Tay chân lạnh |
Lạnh toàn thân |
Lượng nước mất |
5 – 6% trọng lượng cơ thể |
7 – 9% trọng lượng cơ thể |
Từ 10% trọng lượng cơ thể trở lên |
Huyết áp |
Bình thường |
< 90mmHg |
Rất thấp thậm chí không đo được |
Nước tiểu |
Ít |
Thiểu niệu |
Vô niệu |
Mất nước và các nguy cơ biến chứng
Nguyên nhân gây mất nước và phân độ mất nước bạn đã biết. Vậy những ảnh hưởng của mất nước với sức khỏe thì sao? Mất nước kéo dài và ở các mức độ nặng có thể dẫn đến các tình trạng nghiêm trọng như:
- Biến chứng nghiêm trọng nhất của mất nước là sốc giảm lưu lượng máu. Lưu lượng máu quá thấp khiến huyết áp giảm, giảm oxy đến các mô. Nếu không được can thiệp điều trị kịp thời, sốc nặng có thể dẫn đến tử vong nhanh chóng.
- Mất nước kéo dài dẫn đến hình thành sỏi thận, nhiễm trùng đường tiết niệu thậm chí gây suy thận.
- Cơ thể sẽ bị tổn thương do nhiệt khi bị mất nước. Mức độ nhẹ có thể bị chuột rút. Tổn thương nặng có thể gây sốc nhiệt, có thể ảnh hưởng đến tính mạng.
- Khi mất nước, cơ thể đồng thời bị thiếu hụt chất điện giải. Rối loạn cân bằng điện giải có thể gây ra động kinh do sự truyền tín hiệu giữa các tế bào bị rối loạn.
- Mất nước nghiêm trọng không được điều trị kịp thời có thể gây hôn môn và tử vong.
- Mất nước do tiêu chảy cấp có thể dẫn đến hàng loạt vấn đề như: Rối loạn thăng bằng kiềm toan, suy hô hấp, trụy mạch, hạ đường huyết, sốc mất nước, rối loạn điện giải, co giật, hôn mê,…
Điều trị mất nước như thế nào?
Trong điều trị mất nước, chỉ dẫn hiệu quả nhất là bù nước và điện giải. Mất nước uống gì để bù nước phụ thuộc vào từng độ tuổi, nguyên nhân và phân độ mất nước. Các loại nước uống bù điện giải hay bột pha nước uống bù điện giải sẽ rất hữu ích.
Những loại thuốc uống bù điện giải này thường có nước, các chất điện giải, muối, glucose hay carbohydrate được kết hợp theo tỷ lệ phù hợp. Tốt nhất, việc bù nước nên bắt đầu từ giai đoạn khởi đầu của bệnh.
Với trẻ sơ sinh bú sữa mẹ, mẹ cần không ngừng cho vé bú. Nếu trẻ dùng sữa bột, mẹ có thể chuyển sang loại sữa không chứa lactose cho đến khi tình trạng tiêu chảy được cải thiện. Cha mẹ cần lưu ý, không nên cho trẻ uống các loại nước ngọt, nước có gas, nước tăng lực vì chúng không có tác dụng bù nước và điện giải trong trường hợp mất nước.
Khi có dấu hiệu mất nước cấp độ 2 đến cấp độ 3, người bệnh cần được đưa ngay đến các cơ sở y tế để được sơ cấp cứu kịp thời. Tại các cơ sở y tế, người bệnh sẽ được truyền nước và điện giải qua tĩnh mạch và phương pháp này sẽ hiệu quả hơn việc bù nước qua đường miệng.