Nhiều người truyền tai nhau phương pháp nhịn ăn giúp điều trị bệnh ung thư. Vậy thực hư nhịn ăn có chữa được ung thư không? Cùng tìm hiểu ngay nhé!
Nhiều người truyền tai nhau phương pháp nhịn ăn giúp điều trị tình trạng ung thư. Vậy thực hư nhịn ăn có chữa được bệnh ung thư không? Cùng tìm hiểu ngay qua bài viết dưới đây của Chondungnhat nhé!
Nhịn ăn để chữa ung thư – Sai lầm từ những tin đồn
Hiện nay, rất nhiều người lan truyền tai nhau về phương pháp nhịn ăn nhằm điều trị và giảm thiểu tối đa căn bệnh ung thư quái ác. “Nhịn ăn để điều trị bệnh” là vấn đề được thảo luận sôi nổi ở một số nước như Nhật Bản, Pháp, Mỹ.
Theo những thông tin được chia sẻ, phương pháp nhịn ăn hay chậm ăn được áp dụng bằng cách bệnh nhân cần tuyệt thực các món ăn được chế biến từ thịt, cá, đường… Người bị ung thư chỉ được ăn uống các loại rau củ, uống các loại nước ép từ rau xanh, trái cây. Phương pháp này được lan truyền rộng rãi, tiếp cận và ảnh hưởng rất nhiều người thông qua các trang mạng xã hội.
Theo những người sử dụng phương pháp nhịn ăn lý giải: “Tế bào ung thư rất cần chất dinh dưỡng để nuôi tế bào phát triển. Nếu không được bổ sung dinh dưỡng từ thịt, cá, trứng thì tế bào này sẽ suy yếu, chết đi và bị cơ thể đào thải”. Cơ sở lý thuyết của phương pháp này là khi nhịn ăn, cơ thể sẽ tự tiêu hao đi phần tế bào của bản thân để duy trì sự tồn tại. Do đó, các khối u, tế bào ung thư khi nhịn ăn sẽ bị tiêu đi, nhường chỗ cho tế bào khỏe mạnh khác phát triển.
Tuy nhiên, chưa bàn đến thực hư việc nhịn ăn có chữa được ung thư không, cơ thể con người bao gồm rất nhiều cơ quan, bộ phận khác nhau. Mỗi cơ quan luôn cần được nuôi sống và phát triển bằng các dưỡng chất cần thiết. Việc nhịn ăn kéo dài khiến cơ thể hao hụt chất dinh dưỡng dẫn đến cạn kiệt. Trái cây và rau xanh không thể cung cấp đủ dinh dưỡng và năng lượng cho hoạt động của con người. Nếu diễn ra liên tục, cơ thể suy nhược có thể dẫn đến nhiều nguy cơ ảnh hưởng nguy hiểm đến sức khỏe. Vậy cụ thể phương pháp này ảnh hưởng như thế nào đến bệnh nhân ung thư?
Nhịn ăn có chữa được ung thư không?
Vậy nhịn ăn có chữa được ung thư không? Theo GS.TS Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam: “Việc nhịn ăn hoặc không ăn chất đạm nhằm giết chết khối u là một quan điểm phản khoa học. Nó rất nguy hiểm đối với người bệnh, đặc biệt là bệnh nhân ung thư. Quá trình nhịn đói hay không nhịn đói, tế bào ung thư vẫn phát triển hằng ngày. Thậm chí, nếu cơ thể thiếu chất dinh dưỡng dẫn đến sức đề kháng giảm sút còn có thể khiến tế bào ung thư phát triển nhanh hơn”.
Thực tế, các tế bào ung thư có diễn biến tiêu cực hay không phục thuộc vào sức đề kháng của người bệnh. Những người có sức khỏe, đề kháng tốt, tinh thần lạc quan có khả năng chống chọi với bệnh tật cao hơn. Cơ thể họ sẽ sản sinh ra kháng thể giúp kìm hãm sự phát triển của tế bào ung thư. Ngược lại, với những bệnh nhân đã suy kiệt về tinh thần, thể lực và đề kháng cũng giảm thì tỉ lệ tế bào ung thư phát triển tiêu cực sẽ rất cao. Chắc chắn số lượng bệnh nhân tử vong vì suy kiệt sẽ cao hơn và nhanh hơn so với căn bệnh ung thư.
Theo các chuyên gia, nhịn ăn không phải là phương pháp chữa trị ung thư mà ngược lại, nó còn gây giảm thiểu khả năng điều trị và gây hại cho cơ thể.
Nếu một người bình thường một ngày cần đến 25 – 30kcal/kg cân nặng thì bệnh nhân ung thư cần từ 35 – 50kcal/kg. Tương tự, lượng protein ở người bình thường yêu cầu nạp vào là 0,8g/kg thì bệnh nhân ung thư cần đến 1,5 – 2g/kg.
Trong quá trình điều trị ung thư, bệnh nhân cần rất nhiều năng lượng, dinh dưỡng và sự tích cực để chống chọi với bệnh tật. Bệnh nhân không được nhịn ăn hoặc kiêng khem mà phải bổ sung một chế độ dinh dưỡng thật tốt, đầy đủ dưỡng chất từ thịt, cá, rau, trứng, sữa…
“Ăn vào để nuôi khối u” là một quan niệm sai lầm. Việc kiêng ăn khi ung thư dẫn đến các rối loạn trong cơ thể như: Thiếu vitamin, thiếu máu, rối loạn đường huyết… Chỉ khi cơ thể đủ chất mới sản sinh năng lượng, giúp đẩy lùi bệnh tật.
4 nguyên tắc dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư
Chế độ dinh dưỡng tốt cùng tinh thần “khỏe” là vũ khí nhằm tăng sức “chiến đấu” với căn bệnh ung thư. 4 nguyên tắc dinh dưỡng sau giúp người bệnh cải thiện miễn dịch, tăng đề kháng hiệu quả:
Ăn uống đa dạng, cân đối
Bệnh nhân ung thư đang trong quá trình điều trị cần có chế độ dinh dưỡng chuyên biệt nhằm bổi bổ cơ thể.
Người thân cần chăm sóc với khẩu phần ăn đầy đủ, đa dạng, thay đổi món thường xuyên trong tuần và trong ngày với các tiêu chí sau:
- Đảm bảo đủ bốn nhóm thực phẩm thiết yếu trong khẩu phần ăn.
- Lưu ý không nên bồi bổ quá mức, cần cân đối nhóm thực phẩm.
- Không nên ăn quá mặn và hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn, đồ chiên, nướng.
Chia nhỏ bữa ăn và bổ sung thêm bữa phụ
Bệnh nhân trong quá trình điều trị thường mệt mỏi, chán ăn, ăn không ngon miệng. Việc này dẫn đến người bệnh thiếu hụt dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch. Vì vậy, người nhà nên động viên bệnh nhân cố gắng ăn tối đa theo sức của mình. Bổ sung thêm các thực phẩm giàu dinh dưỡng trong các bữa phụ, xen kẽ các bữa chính.
Tuyệt đối không ăn kiêng
Như đã biết, nhịn ăn có chữa được ung thư là hiểu lầm tai hại dẫn đến tình trạng người bệnh trở nên tiêu cực hơn. Người bệnh không nên nhịn ăn, chậm ăn bằng cách kiêng đạm từ động vật. Nó có thể dẫn đến nguy cơ gây hại cho sức khỏe và không phải là một cách điều trị đúng. Dinh dưỡng nuôi cơ thể người bệnh cần được duy trì từ chế độ ăn đa dạng.
Bổ sung dinh dưỡng bằng nhiều cách
Một số trường hợp bệnh nhân ung thư gặp khó khăn trong việc ăn uống bình thường. Tốt nhất, hãy tham khảo ý khiến từ chuyên gia ung bướu và dinh dưỡng để có thể bổ sung dinh dưỡng đúng cách.
Như vậy, nhịn ăn có chữa được ung thư là quan niệm sai lầm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bệnh nhân ung thư. Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn hiểu rõ và có chế độ dinh dưỡng tốt nhất cho người bệnh!