Nước là tài nguyên quý giá và cần thiết trong cuộc sống của con người. Chính vì vậy, chất lượng nguồn nước sẽ tác động rất lớn đến sức khỏe. Nếu thường xuyên sử dụng nguồn nước không đảm bảo sẽ khiến cơ thể nhiễm nhiều chất độc hại là nguyên nhân chính gây các bệnh về đường tiêu hóa, ung thư và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Thế nào là nguồn nước bị ô nhiễm
Ô nhiễm nước là sự vượt quá tiêu chuẩn cho phép của một số thành phần trong nước dẫn đến chất lượng nước không đáp ứng được các mục đích sử dụng khác nhau ảnh hưởng xấu đến đời sống của con người và sinh vật.
Nhiều loại vi khuẩn, vi rút sinh sống và phát triển trong nguồn nước nhiễm bẩn từ đó lây truyền dịch bệnh cho người và động vật.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Yến (Khoa Sức khỏe môi trường, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Ninh) cho biết, có 7 dấu hiệu người dân có thể nhận biết nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm, đó là:
– Nguồn nước có mùi tanh, hôi, thậm chí khai, nước có các màu như vàng nhẹ, nâu đỏ, đục… Đây là dấu hiệu cơ bản nhất cho thấy nguồn nước này đã bị ô nhiễm sắt, phèn và một số tạp chất, kim loại nặng khác.
– Nước bốc mùi nặng khiến người dùng khó thở, gây hiện tượng buồn nôn. Đây là dấu hiệu cơ bản cho thấy nguồn nước bị nhiễm phenol, clo ở mức độ nặng.
– Nước có mùi thum thủm như mùi trứng thối là do nước nhiễm hợp chất H2S. (Hydro sulfua )
– Nước nhiễm amoni khiến thực phẩm (các loại thịt) sau khi luộc có màu hồng như chưa chín.
– Nước mùi clo nồng nặc, hiện tượng này diễn ra chủ yếu ở nước máy, nếu sử dụng gây cảm giác khó chịu, nếu hàm lượng vượt quá mức cho phép gây ra nhiều bệnh vệ hô hấp, ảnh hưởng đến da, tóc…
– Nước đun sôi kết tủa cặn trắng dưới đáy nồi, bám thành từng mảng trong các dụng cụ chứa nước, các thiết bị vệ sinh. Đây là dấu hiệu cơ bản của nguồn nước nhiễm cứng, hay chứa hàm lượng Ca, Mg cao vượt mức.
– Hiện tượng nước bám mảng bám màu đen trong các dụng cụ chứa, bồn rửa mặt do nhiễm mangan…
Tuy nhiên, để biết chính các mức độ ô nhiễm và xác định rõ nguồn có chứa thành phần độc hại không màu, không mùi hay không (tiêu biểu như asen,) thì cần áp dụng các biện pháp công nghệ cao cấp và cần phải xét nghiệm chất lượng nước tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới đảm bảo cho kết quả chính xác.
Nguồn nước ô nhiễm là nguyên nhân gây nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm
Theo WHO, khoảng 80% bệnh tật có liên quan tới chất lượng nước và tình trạng vệ sinh môi trường. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Yến cho biết, nhiều loại vi khuẩn, vi rút sinh sống và phát triển trong nguồn nước nhiễm bẩn từ đó lây truyền dịch bệnh cho người và động vật.
Hiện tại, 5/10 bệnh truyền nhiễm gây dịch có tỷ lệ mắc cao nhất liên quan đến nước và vệ sinh là cúm, tiêu chảy, lỵ trực trùng, lỵ amip, viêm gan A. Các nhóm bệnh do vi sinh vật khác như do virus (bại liệt, viêm gan A, rotavirus, các enterovirus), ký sinh trùng (giun sán), đơn bào (Entamoeba historitica, Cryptosporidium pavum…); Bệnh ngoài da như ghẻ lở, hắc lào, tay chân miệng, bệnh đau mắt đỏ, bệnh phụ khoa và tiềm ẩn các nguy cơ gây ung thư.
Mỗi năm có khoảng 1 triệu ca mắc tiêu chảy, 40.000 – 50.000 lượt bị lỵ trực khuẩn, thương hàn… Đặc biệt, bệnh tay chân miệng có nguy cơ bùng phát tại nhiều địa phương. Bệnh giun sán cao dao động trong khoảng 50 -90% dân số. Tỷ lệ nhiễm giun đũa, tóc cao ở học sinh tiểu học. Các bệnh do muỗi truyền như SXH, sốt rét. Các bệnh do các trung gian khác như sán lá gan, bệnh sán lá phổi…
Nước chứa nhiều sắt, mangan thường có màu vàng đục, mùi tanh khó chịu.
Ngoài ra, việc chung sống với nguồn nước ô nhiễm có thể coi như đang sống chung với tử thần khi tiềm ẩn nguy cơ gây ra các bệnh không do vi sinh vật, như:
- Nước nhiễm sắt và mangan có thể gây biến màu thức ăn, làm hoen ố quần áo. Độc tính của sắt có thể ảnh hưởng đến gan, thận và hệ thống tim mạch, thần kinh.
- Sử dụng nước có kim loại nặng nội tạng sẽ bị ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng. Sỏi dễ hình thành trong thận, mật, tổn thương dạ dày, nôn mửa, tiêu chảy và mất sức, có nguy cơ cao dẫn đến xơ gan, đặc biệt là gây ung thư và đột biến…
- Hệ thần kinh trung ương bị nhiễm độc, tuỷ xương bị rối loạn hoạt động, gây tai biến não, cao huyết áp đối với những người sử dụng nguồn nước nhiễm chì để ăn uống.
- Sử dụng nước có lượng natri vượt quá mức cho phép sẽ khiến tỷ lệ mắc bệnh tim mạch, huyết áp tăng cao.
- Dùng nước nhiễm Amoni, Nitrat, Nitrit trong thời gian dài ở nồng độ cao gây bệnh xanh da, thiếu máu, có thể gây ung thư gan, phổi và dạ dày; nhiễm lưu huỳnh gây bệnh về đường tiêu hoá…
- Crom khiến thận bị viêm, ung thư phổi và viêm gan.
- Mangan khiến thận, hệ thống tuần hoàn bị thương tổn, thậm chí tử vong nếu ngộ độc nặng.
- Thuốc bảo vệ thực vật gây ra tình trạng nhiễm độc gan.
- Xương bị ảnh hưởng xấu bởi nước nhiễm kali hoặc cadimi.
- Chất cực độc là asen. Asen là nguyên nhân gây ra 20 bệnh khác nhau trong đó phần lớn là các bệnh nguy hiểm đến tính mạng. Sử dụng nước nhiễm asen là cơ hội để các tế bào ung thư xuất hiện và phát triển: ung thư da, bang quang, phổi, bệnh bowen…
- Ngoài ra còn có các vấn đề sức khỏe do thiếu hoặc thừa các chất vi lượng trong nước, ví dụ thiếu hoặc thừa fluor.
Làm thế nào để hạn chế bệnh tật phát sinh do nguồn nước không đảm bảo
Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Yến, người dân sinh sống quanh khu vực có nguồn nước ô nhiễm có tỉ lệ mắc những bệnh tiêu biểu kể trên ngày một gia tăng hơn, thậm chí tại Việt Nam đã ghi nhận nhiều trường hợp một làng hoặc một cụm dân cư cùng mắc các bệnh giống nhau do sử dụng chung nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm.
Bên cạnh việc gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, nguồn nước bị ô nhiễm cũng gây cản trở cho quá trình sinh hoạt và gây thiệt hại lớn về kinh tế.
Người dân nên sử dụng nước sạch cho mục đích sinh hoạt để hạn chế bệnh tật
Để hạn chế bệnh tật phát sinh do nguồn nước không đảm bảo, người dân nên sử dụng nước sạch cho mục đích sinh hoạt. Thông thường, nguồn nước máy do các đơn vị cấp nước đã qua các biện pháp xử lý nhằm đảm bảo chất lượng nước cung cấp cho nhân dân. Tuy nhiên, trong quá trình lưu trữ, sử dụng nguồn nước có thể nhiễm vi khuẩn, vi sinh từ đường ống dẫn nước, bể chứa nước của gia đình lâu năm không vệ sinh, dẫn đến bạn sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm.
Để hạn chế ô nhiễm nguồn nước, cần thường xuyên vệ sinh thiết bị chứa nước định kì 3-6 tháng/lần. Ví dụ: thau rửa bể chứa, téc nước, sục rửa đường ống; kiểm tra các vết nứt tại bể ngầm vì đây là nguồn gây ô nhiễm đáng kể. Bên cạnh đó, tại các hộ gia đình có thể lắp thêm hệ thống lọc nước.
Đối với các khu vực chưa có nước máy, ngoài việc tự xử lý nguồn nước thông qua các hệ thống lọc, người dân cũng nên kiểm nghiệm nước định kì để đảm bảo chất lượng nước sử dụng cho mục đích sinh hoạt.
Bên cạnh đó, mỗi người cần tăng cường ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, không nên vứt rác bừa bãi nhất là ra ao, hồ, sông, suối, nên thu gom và phân loại rác thải. Thường xuyên vệ sinh nhà ở, vệ sinh chuồng trại, khu dân cư, thu gom và xử lý phân, nước tiểu, diệt ruồi, muỗi, gián, chuột ở nhà cũng như nơi công cộng;
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn uống, sau khi đi vệ sinh, thường xuyên vệ sinh cá nhân. Đây là một việc làm đơn giản nhưng nếu người dân thực hiện một cách nghiêm túc cũng góp phần bảo vệ nguồn nước và phòng chống các bệnh do ô nhiễm nguồn nước.