Phát triển công nghệ AI ở Việt Nam giúp thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia

Phát triển công nghệ AI ở Việt Nam giúp thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia

Trong các công nghệ số, AI chính là công nghệ cốt lõi do công nghệ này xuất hiện trong hầu hết các sáng kiến số, đem lại khả năng khai thác các giá trị ẩn sâu của dữ liệu cũng như tự động thay thế con người thực hiện nhiều nhiệm vụ nhanh và thông minh hơn.

Theo dự báo của IDC (2), vào năm 2022, 75% các ứng dụng doanh nghiệp sẽ sử dụng các tính năng AI để hỗ trợ ra quyết định và kinh doanh hiệu quả. Vì vậy, chính phủ cần làm việc với nhiều bên liên quan như các tổ chức nghiên cứu và giáo dục, các công ty công nghệ và các doanh nghiệp để tạo ra một môi trường thuận lợi kích thích sự phát triển công nghệ AI, mang lại những ưu thế vượt trội cho quốc gia và nền kinh tế.

Mục tiêu năm 2025 đến năm 2030 trong chiến lược phát triển, AI sẽ được Việt Nam ứng dụng rộng rãi trong hành chính công và các dịch vụ trực tuyến, giúp giảm thiểu thời gian xử lý, nhân lực, chi phí và thời gian chờ đợi của người dân.

Phát triển công nghệ AI là yếu tố quan trọng để chuyển đổi số

Các công nghệ số bao gồm dữ liệu lớn và phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây, công nghệ IoT, công nghệ không dây, v.v, đang dần được áp dụng rộng rãi trong quá trình chuyển đổi số, khiến sản xuất trở nên linh hoạt, tự động và điều khiển thông minh.

Trong kinh doanh, chuyển đổi số giúp doanh nghiệp hiểu rõ nhu cầu của khách hàng để tối ưu chuỗi cung ứng và cung cấp các sản phẩm phù hợp, trong các dịch vụ hành chính công được cung cấp trực tuyến sẽ giúp thuận tiện hơn, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.

Theo nghiên cứu của IMD (1), 90% doanh nghiệp được hỏi nhận thấy chuyển đổi số đã tạo ra những bước thay đổi quan trọng trong hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện tại, quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp và khối hành chính công còn chậm, chưa tạo ra những đột phá. Rào cản chính là thiếu nguồn nhân lực công nghệ cao, tài chính và mối liên kết chưa hiệu quả giữa nghiên cứu khoa học với doanh nghiệp và nhà nước.

Chiến lược quốc gia phát triển công nghệ AI ở Việt Nam

Theo báo cáo Chỉ số sẵn sàng về trí tuệ nhân tạo toàn cầu năm 2021 của Oxford Insights phối hợp với Trung tâm Phát triển Nghiên cứu Quốc tế (IDRC) (3)(1), Việt Nam xếp thứ 62/172 toàn cầu và xếp thứ 10/15 khu vực.

Xếp hạng phát triển công nghệ AI trong khu vực
Hình 1: Xếp hạng của Việt Nam về chỉ số sẵn sàng về trí tuệ nhân tạo toàn cầu trong khu vực năm 2021

Các hoạt động thúc đẩy nghiên cứu và phát triển công nghệ AI

Để hiện thực hóa các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI và hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi số quốc gia, chính phủ, các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp cần phối hợp thúc đẩy phát triển trong các hoạt động sau:

Tập trung nghiên cứu công nghệ AI

Hiện tại số lượng nhân lực thực hiện các nghiên cứu cơ bản và phát triển công nghệ AI ở Việt Nam còn thấp, chỉ có khoảng 300 chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực này (4). Vì vậy để nâng cao năng lực nghiên cứu, chính phủ, các tổ chức và doanh nghiệp cần phối hợp để xây dựng các trung tâm nghiên cứu phát triển, các nhóm nghiên cứu trọng điểm về AI và khoa học dữ liệu trong một số trường đại học, viện nghiên cứu và các công ty công nghệ lớn để nghiên cứu các công nghệ lõi và xây dựng các nền tảng dùng chung.

Xây dựng hạ tầng dữ liệu và tính toán

Hạ tầng dữ liệu, tính toán và chất lượng dữ liệu là các vấn đề then chốt trong phát triển các ứng dụng AI. Tuy nhiên, hạ tầng dữ liệu và tính toán của Việt Nam mới chỉ ở mức sơ khai, dữ liệu không có nhiều, nằm rải rác khắp nơi và không đủ chất lượng.

Chỉ số hạ tầng và dữ liệu của Việt Nam là rất thấp khi so sánh với các quốc gia có cùng chỉ số sẵn sàng về trí tuệ nhân tạo toàn cầu (3). Vì vậy, Việt Nam cần một kế hoạch dài hạn để xây dựng, duy trì và phát triển hạ tầng dữ liệu, giúp tiếp cận, cải thiện hiệu quả và năng suất của hệ thống khoa học và nghiên cứu công nghệ AI, giúp giảm chi phí trùng lắp trong việc thu thập, chuyển giao và tái sử dụng dữ liệu và tài liệu khoa học.

Phát triển các sản phẩm và dịch vụ sử dụng công nghệ AI

Việc nghiên cứu và phát triển chỉ có thể hiệu quả khi ứng dụng được công nghệ AI trong việc giải quyết các bài toán cụ thể của quá trình chuyển đổi số doanh nghiệp, chính quyền số, xã hội số. Đó là môi trường đào tạo, nâng cao năng lực nghiên cứu cũng như cung cấp các nguồn lực về tài chính để đảm bảo sự phát triển bền vững.

Là nơi ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp, hỗ trợ đào tạo xây dựng chiến lược, sản phẩm, kĩ năng quản trị và liên kết các doanh nghiệp này với các tổ chức khác trong chuỗi giá trị nhằm xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, lan tỏa ảnh hưởng đến các thành phần kinh tế khác. Ví dụ, UAE đã xây dựng thung lũng công nghệ Dubai Silicon Oasis (DSO) để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp, nghiên cứu và thử nghiệm các công nghệ mới nhất (5).

Xây dựng các khu vực kiểu mẫu trải nghiệm và ứng dụng công nghệ AI

Phát triển các khu đô thị, văn phòng, khu công nghiệp công nghệ cao hình mẫu sử dụng các sản phẩm, dịch vụ AI ở các tỉnh thành để khởi tạo thị trường phát triển cho các doanh nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xã hội phát triển bền vững.

Đào tạo và kết nối các nguồn nhân lực AI trong và ngoài nước

Tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các tổ chức trong và ngoài nước như trường đại học, viện nghiên cứu, công ty công nghệ để xây dựng các chương trình đào tạo và thực hành chuyên sâu về lĩnh vực AI, hình thành cộng đồng, mạng lưới các chuyên gia để cập nhật các công nghệ và thu hút các nhân tài trong lĩnh vực AI về làm việc.

Chính phủ cũng đã ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030, nhằm đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI, đưa AI trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khu vực ASEAN và trên thế giới.

Việt Nam sẽ xây dựng 5 thương hiệu về AI và phát triển trung tâm quốc gia về dữ liệu lớn và điện toán hiệu suất cao. Các mục tiêu khác là thành lập hai trung tâm đổi mới sáng tạo AI quốc gia, tăng số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và tổng vốn đầu tư vào AI, nâng cấp và thành lập 10 cơ sở nghiên cứu và đào tạo trọng điểm mới về AI, giúp đẩy nhanh tiến độ ứng dụng rộng rãi trong hành chính công và các dịch vụ trực tuyến tại Việt Nam.

Nguồn tham khảo
(1) IMD. 2021 The digital vortex is accelerating, but companies don’t have a clear plan how to move forward
(2) IDC. IDC FutureScape: Worldwide Intelligent ERP 2020 Predictions
(3) Oxford Insights. Government AI Readiness Index 2021
(4) Vietnamnet. 2021 Việt Nam hiện chỉ có 300 chuyên gia về trí tuệ nhân tạo
(5) https://www.dsoa.ae

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *