Phát triển kinh tế số là xu hướng tất yếu của các nước trên thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Mục tiêu đến đến năm 2025, kinh tế số Việt Nam sẽ chiếm khoảng 20% GDP.
Đến năm 2030, kinh tế số thúc đẩy GDP Việt Nam tăng thêm 7 – 16%, tương đương khoảng 28 – 62 tỷ USD. Đảng và Nhà nước đưa ra nhiều chủ trương, chính sách và giải pháp thực hiện thúc đẩy nền kinh tế số nước nhà, trong đó con người là một trong những yếu tố trọng tâm.
Kinh tế số là gì? Xu hướng của nền kinh tế số đang diễn ra như thế nào?
Kinh tế số (Digital economy) là một nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành thông qua internet. Theo “Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam năm 2019”, kinh tế số được hiểu là toàn bộ hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng số và phát triển kinh tế số là sử dụng công nghệ số và dữ liệu để tạo ra những mô hình hợp tác kinh doanh mới.
Kinh tế số giúp gia tăng năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, kinh tế số cũng giúp tăng trưởng bền vững vì có sử dụng tri thức nhiều hơn là tài nguyên. Chi phí để doanh nghiệp, người dân tham gia vào nền kinh tế số thấp hơn nên tạo ra cơ hội cho nhiều người hơn. Cùng với việc ứng dụng công nghệ số, mạng lưới internet không biên giới sẽ làm giảm được khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, giữa các quốc gia khu vực.
Khi thế giới bước vào giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19, có thể thấy một xu hướng tất yếu là chuyển đổi số sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu.
Các quốc gia đã và đang cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu để có uy thế về công nghệ số, Chính phủ Việt Nam đã thể hiện rõ mong muốn được tham gia cuộc đua bằng cách coi chuyển đổi số là một trong những mục tiêu trọng tâm trong Chiến lược phát triển Kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2030. Có thể thấy, khi các quốc gia bắt đầu gặt hái được các “trái ngọt” từ chuyển đổi số, Chính phủ Việt Nam đã thể hiện rất rõ quyết tâm khi tham gia vào cuộc đua này.
Tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định về “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chính phủ điện tử, liên quan đến phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, mục tiêu đến năm 2025 là kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20% (2).
Có thể nói đây là những mục tiêu khá thách thức, đòi hỏi cần nỗ lực đột phá trên nhiều mặt, mà quan trọng là xây dựng lực lượng lao động có năng lực số cao, nhưng cũng sẽ là động lực để thúc đẩy sự phát triển vượt bậc của nước nhà.
Theo báo cáo của Google, hiện tại nền kinh tế số Việt Nam đạt tổng giá trị 14 tỷ USD, cao gấp 4,5 lần so với 05 năm trước và dự đoán chạm mốc 43 tỷ USD vào năm 2025. Để hỗ trợ phát triển kinh tế số, Việt Nam đề ra mục tiêu 50% dân số có tài khoản thanh toán điện tử vào năm 2025 (3).
Thứ hạng trong năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam tăng hạng vượt bậc trong các năm qua đặc biệt tăng đến 10 bậc từ năm 2018-2019 lên vị trí 67/141 nền kinh tế (4). Để có được kết quả này là có sự nỗ lực không ngừng của Chính phủ về cải cách môi trường kinh doanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo để thích ứng và nhảy vọt trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 và hội nhập sâu rộng hơn.
Các nghiên cứu kinh tế học và bằng chứng thực nghiệm nhìn chung chỉ ra 04 lợi thế chính của kinh tế số:
Những thách thức chung trong phát triển nền kinh tế số (5):
1. Sức mạnh độc quyền: Nền kinh tế số dễ gặp nguy cơ tập trung thị trường do chi phí cố định lớn và hiệu ứng mạng lưới (network effects) xảy ra khi càng có nhiều đối tượng tham gia vào một mạng lưới thì mạng lưới ấy càng được người sử dụng đánh giá cao.
Hiệu ứng này cũng có thể kiến việc gia nhập thị trường trở nên khó khăn hơn nếu quy mô tối thiểu để cạnh tranh được tương đối lớn so với quy mô chung của thị trường. Điều này có thể dẫn đến rào cản gia nhập cao, lạm quyền điều tiết và chi phí dữ liệu và dịch vụ số tăng.
2. Vấn đề quyền riêng tư: Bảo vệ dữ liệu công nghiệp và kinh tế là cần thiết để đảm bảo cạnh tranh công bằng cho doanh nghiệp, trong khi bảo vệ dữ liệu cá nhân lại là thiết yếu để phòng tránh tội phạm mạng đánh cắp và sử dụng trái phép danh tính của khách hàng.
3. Sự sâu rộng của công nghệ: Hiệu xuất được nâng cao của công nghệ số có khi không bù đắp được thời gian bỏ ra để sử dụng mạng xã hội và tìm kiếm trên internet. Hơn nữa, riêng khối lượng thông tin cũng khiến cho người sử dụng bị ngợp và dẫn đến mất khả năng ra quyết định.
4. Chi phí môi trường: Các trung tâm dữ liệu sử dụng rất nhiều điện và hầu hết các doanh nghiệp không thể bù đắp được lượng phát thải khí CO2 tương ứng. Hơn nữa, sự lỗi thời có chủ ý của các mặt hàng điện tử tiêu dùng khuyến khích sử dụng nhiều vật liệu thô hơn và thải ra nhiều rác gây hại hơn.
5. Vấn đề về năng suất: Lâu nay, khó có thể chỉ ra mối quan hệ rõ ràng giữa phát triển công nghệ số và tăng trưởng kinh tế giữa các quốc gia và theo thời gian. Vấn đề về năng suất này đã nhận được rất nhiều sự quan tâm nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng.
6. Bất bình đẳng: Khả năng tiếp cận và sử dụng có sự khác nhau theo thu nhập, địa bàn và kỹ năng. Nếu như những nền tảng số đem lại thêm lợi thế cho những người vốn đã có lợi thế thì chúng lại càng làm tăng bất bình đẳng sẵn có, chẳng hạn hết quả học tập tốt hơn cho những sinh viên có kỹ năng tốt hơn và được tiếp cận internet.
7. Thay đổi về cấu trúc thị trường lao động: Doanh nghiệp sẽ thay thế lao động bằng vốn công nghệ số (robot) và các ngành thâm dụng vốn công nghệ số sẽ tăng trưởng nhanh hơn các ngành khác.
Để hiện thực hóa những lợi thế chính của nền kinh tế số vào thực tiễn cũng như hạn chế các khó khăn trong triển khai thực hiện các giải pháp và nhiệm vụ phát triển nền kinh tế này đối với nước nhà đòi hỏi cần có sự đồng lòng và quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, trong đó thế hệ trẻ sẽ đóng góp một vai trò quan trọng, đặc biệt là ở nhiệm vụ phát triển kinh tế số dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Con người là yếu tố then chốt trong phát triển nền kinh tế số tại Việt Nam
Theo quan điểm của Đảng và Nhà nước, phát triển kinh tế là do con người và vì con người. Chính vì vậy, thực tế để phát triển kinh tế số, việc phát huy nhân tố con người vừa là mục tiêu vừa là động lực để phát triển kinh tế – xã hội. Việt Nam với gần 100 triệu dân và đang ở trong giai đoạn cơ cấu “dân số vàng” được đào tạo tốt, học tập và lao động chăm chỉ đồng thời con người Việt Nam yêu thích và nhanh nhạy trong tiếp cận và sử dụng công nghệ mới, đây là một lợi thế rất lớn để thúc đẩy phát triển nền kinh tế số nước nhà.
Việt Nam cũng đang được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số ở mức khá trong khu vực Đông Nam Á với hạ tầng viễn thông khá tốt cùng độ phủ sóng rộng và mật độ người dùng cao. Theo số liệu báo cáo năm 2020, Việt Nam có khoảng 68 triệu người dùng internet chiếm đến khoảng 70% dân số.
Sự bùng nổ và phổ biến của internet và các công nghệ kỹ thuật số đã mang lại nhiều cơ hội cho người dân đặc biệt là giới trẻ để tham gia và kết nối vào thị trường kinh tế số, nơi mà các rào cản của thị trường xuyên biên giới giảm đi đáng kể, với rất nhiều cơ hội để tiếp cận và chia sẻ thông tin, kiến thức với các cộng đồng có chung lợi ích và mang lại hợp tác trong các dự án sản xuất cùng nhau.
Tuy có nhiều lợi thế về nguồn lao động trẻ lớn nhưng, lực lượng lao động Việt Nam còn thiếu nhiều kỹ năng cần thiết để có thể làm chủ nền kinh tế số, chính vì vậy việc nâng cao kỹ năng số phù hợp cho đội ngũ lao động để tận dụng thế mạnh của công nghệ số là hành động cần sớm thực hiện. Một số phương án có thể cân nhắc nhằm phục vụ nâng cao kỹ năng số cho lực lượng lao động có thể cân nhắc như:
- Tăng cường giáo dục và đào tạo CNTT ở các cấp, đặc biệt thông qua hệ thống các trường kỹ thuật và dạy nghề.
- Thu hút nhân tài từ những kiều bào đang hoạt động trong các lĩnh vực số trên khắp thế giới.
- Khuyến khích cải thiện, phát triển kỹ năng mềm cho người lao động.
- Khuyến khích các sáng kiến xây dựng những kỹ năng cốt lõi mà người dân cần có, để họ có thể tận dụng, mở rộng và thích ứng những kỹ năng này nhằm đáp ứng nhu cầu của tiến bộ công nghệ.
- Bên cạnh việc nâng cao kỹ năng số cho người lao động, thì việc bồi dưỡng năng lực đổi mới sáng tạo hay đẩy mạnh khả năng tiếp cận thông tin, chất lượng thông tin và an toàn thông tin cũng sẽ góp phần duy trì và nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế số nước nhà.
Mặc dù có sự phát triển nhưng chặng đường phát triển phía trước của Việt Nam vẫn còn không ít những khó khăn thách thức. Bởi vậy, Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực cải cách mạnh mẽ, thực chất và toàn diện hơn để nâng cao nền kinh tế đặc biệt là kinh tế số của nước nhà. Để thực hiện tốt việc này đòi hỏi không chỉ những cố gắng nỗ lực từ phía Chính phủ mà còn cần sự chung tay của các bên liên quan đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Nguồn tham khảo
(1) Statista. 2021 Growth of gross merchandise value of digital economy in Southeast Asia from 2019 to 2020 with a forecast to 2025
(2) Đảng Cộng Sản Việt Nam. 2021 Vai trò của thế hệ trẻ thực hiện chủ trương phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo
(3) Bộ công thương. 2021 Việt Nam đẩy mạnh phát triển kinh tế số
(4) Báo chính phủ. 2019 Năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 của Việt Nam qua từng chỉ số
(5) World Bank. 2021 Việt Nam số hóa: Con đường đến tương lai