Sàn thương mại điện tử Temu đã nhanh chóng tạo nên cơn sốt tại thị trường Việt Nam chỉ trong vòng một tháng sau khi ra mắt. Điều này đồng nghĩa với việc các nhà bán lẻ trong nước phải đối mặt với hàng ngàn đối thủ cạnh tranh mới. Tuy nhiên, từ một góc nhìn khác, đây lại là cơ hội tuyệt vời để các chủ shop online nhanh chóng mở rộng thị trường.
Vậy cơ hội nằm ở đâu? Cùng khám phá những thuận lợi và thách thức khi gia nhập Temu, cũng như quy trình đăng ký bán hàng dễ dàng, giúp bạn gặt hái hàng triệu đơn trên nền tảng này trong bài viết dưới đây..
1. Temu là gì?
Temu là một nền tảng thương mại điện tử thuộc sở hữu của tập đoàn hàng đầu Trung Quốc PDD Holdings. Tính đến ngày 1 tháng 9 năm 2024, Temu đã mở rộng hoạt động tại 78 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
Lịch sử hình thành và phát triển của Temu:
Được ra mắt vào năm 2022, Temu bắt đầu với việc triển khai mô hình ký gửi hoàn toàn. Đây là một lựa chọn có vẻ nặng nề nhưng lại an toàn, giúp Temu nhanh chóng phát triển và thu hút các nhà cung cấp. Mô hình ký gửi hoàn toàn của Temu cho phép họ quản lý toàn bộ chuỗi cung ứng, từ chọn lựa sản phẩm, kiểm soát chất lượng đến việc đảm bảo tốc độ và dịch vụ giao hàng, từ đó giảm chi phí và tăng cường hiệu quả.
Vào tháng 3 năm 2024, Temu đã giới thiệu mô hình nửa ký gửi, trong đó nhà cung cấp bên ngoài Trung Quốc có thể tự quản lý đơn hàng và lo việc vận chuyển, giúp giảm áp lực tồn kho cho Temu và tăng tốc độ giao hàng.
Từ cuối tháng 9/2024 vừa qua, sàn thương mại điện tử Temu đã chính thức gia nhập Việt Nam. Với các quảng cáo giảm giá hấp dẫn và chương trình miễn phí vận chuyển đến khắp các địa điểm khắp Việt Nam, Temu thu hút đông đảo sự quan tâm của người tiêu dùng cũng như cộng đồng nhà bán lẻ.
2. Temu gia nhập Việt Nam ảnh hưởng như thế nào đến các nhà bán lẻ?
2.1. Ảnh hưởng tích cực
Cơ hội tiếp cận thị trường toàn cầu
Thông qua nền tảng thương mại điện tử Temu, chủ shop không chỉ có thể quảng bá sản phẩm trong nước mà còn dễ dàng tiếp cận khách hàng ở nhiều quốc gia khác nhau như Mỹ, Thái Lan, Malaysia, Philippines… Temu hỗ trợ vận chuyển quốc tế và các chiến dịch quảng bá rộng khắp, giúp sản phẩm tiếp cận hàng triệu khách hàng tiềm năng toàn cầu.
Phát triển thương hiệu
Bằng cách triển khai các chương trình khuyến mãi và chiến dịch quảng bá hiệu quả, Temu giúp sản phẩm của bạn nổi bật giữa đám đông, góp phần xây dựng uy tín và mở rộng ảnh hưởng của thương hiệu trên thị trường quốc tế
Quy mô doanh nghiệp từ nhỏ đến lớn đều có cơ hội
Nhờ vào tính linh hoạt của mình, Temu cho phép các doanh nghiệp dễ dàng điều chỉnh chiến lược bán hàng theo nhu cầu và nguồn lực của họ. Thêm nữa, Temu không thu phí duy trì, điều này phần nào.giúp giảm bớt gánh nặng chi phí vận hành khi kinh doanh online cho các chủ shop.
Nhiều chương trình khuyến mãi
Sàn thương mại điện tử Temu thường xuyên triển khai nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn nhằm thu hút khách hàng và thúc đẩy doanh số cho các nhà bán hàng. Những khuyến mãi này tạo cơ hội cho các nhà bán lẻ thu hút khách hàng và gia tăng doanh thu, tăng trưởng nhanh chóng.
2.2 Ảnh hưởng tiêu cực
Sự cạnh tranh tăng cao
Theo VnExpress: “Khi Temu xuất hiện, nó được mô tả như giáng thêm đòn cho bán lẻ nội địa”. Các nhà bán lẻ phải đối mặt với tình trạng doanh thu sụt giảm do người tiêu dùng chuyển sang mua sắm trên Temu, nơi có nhiều lựa chọn và ưu đãi hấp dẫn hơn. Điều này tạo ra sức ép lớn đối với các nhà bán lẻ trong nước, buộc họ phải nỗ lực điều chỉnh giá cả và nâng cao chất lượng dịch vụ để giữ chân khách hàng.
Mối đe dọa cho hàng nội địa
Các doanh nghiệp trong nước muốn sản xuất ra một chiếc áo, chiếc quần phải nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài. Vì vậy, hàng Việt khó có thể đạt mức giá thấp, dù chi phí lao động trong nước vẫn được xem là cạnh tranh.
Nay Temu du nhập vào Việt Nam, cung ứng sản phẩm trực tiếp từ xưởng sản xuất, không qua trung gian với mức giá “tận gốc”. Việc cạnh tranh với Temu thực sự là một bài toán khó cho các doanh nghiệp Việt.
Chuyển dịch hành vi tiêu dùng
Theo Statista, tổng doanh thu từ các sàn như Shopee, Lazada, Tiki, và TikTok Shop trong nửa đầu năm 2024 đạt khoảng 143,9 nghìn tỷ VND (5,6 tỷ USD), tăng gần 55% so với cùng kỳ năm trước.
Con số này phản ánh xu hướng mua sắm trực tuyến đang ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, sự xuất hiện của Temu có thể khiến lượng lớn người tiêu dùng Việt chuyển từ các nền tảng thương mại điện tử nội địa như Shopee, Lazada … sang Temu.
3. Các loại phí của sàn Temu
Trên nền tảng Temu, người bán hàng cần lưu ý một số chính sách và loại phí quan trọng để quản lý chi phí và tối ưu hóa lợi nhuận. Tránh phát sinh những khoản phí mà chủ shop không nắm bắt được:
- Phí đăng ký và duy trì gian hàng: Người bán không phải trả phí đăng ký để tạo tài khoản bán hàng trên Temu, điều này giúp giảm bớt rào cản gia nhập cho các nhà bán lẻ mới. Temu cũng không thu phí duy trì đối với các nhà bán hàng.
- Phí giao dịch: Temu có tính phí giao dịch cho mỗi đơn hàng, tuy nhiên mức phí này có thể khác nhau tùy vào loại sản phẩm và giá trị đơn hàng. Thông thường, phí này dao động từ 5-15%. Ví dụ: một số danh mục như đồ điện tử có thể phải chịu phí cao hơn do cạnh tranh thị trường ngày càng gia tăng, trong khi các danh mục như quần áo có thể có mức phí thấp hơn để vẫn có thể tiếp cận được với nhiều người bán.
- Phí vận chuyển: Temu thường chi trả chi phí vận chuyển cho người bán để thu hút các nhà cung cấp mới và duy trì tính cạnh tranh của nền tảng. Tuy nhiên, người bán có thể phải chịu phí vận chuyển đối với một số mặt hàng đặc biệt: các sản phẩm cồng kềnh hoặc yêu cầu giao hàng nhanh.
- Chi phí quảng cáo, tiếp thị: Temu cũng có các chương trình quảng cáo và tiếp thị cho phép người bán nâng cao sự hiện diện sản phẩm của họ trên nền tảng, và đương nhiên, nó đi kèm với các khoản phí. Chi tiết khoản phí đó là bao nhiêu tùy thuộc vào loại chương trình quảng cáo, thỏa thuận giữa chủ shop và Temu.
4. Bí kíp bán triệu đơn hàng dễ dàng trên sàn Temu
4.1 Cách đăng ký bán hàng trên sàn Temu
Đăng ký tài khoản bán hàng trên Temu
Bước 1: Truy cập trang Hợp tác với Temu. Bạn sẽ nhìn thấy địa chỉ email nhận thông tin của Temu đối với Đối tác bán hàng.
Bước 2: Hãy gửi email đến địa chỉ đó để đăng ký trở thành đối tác với Temu.
Lưu ý: Ở thời điểm hiện tại, Temu vẫn đang hạn chế về việc hợp tác với các nhà cung cấp tại Việt Nam.
Sapo sẽ cập nhật và cung cấp thông tin mới nhất về tình hình bán hàng cho các nhà cung cấp tại Việt Nam, giúp bạn nắm bắt xu hướng thị trường kịp thời. Theo dõi Sapo để không bỏ lỡ bất kỳ thông tin nào nhé!
Cách tạo danh sách sản phẩm để bán trên Temu
- Bước 1: Đăng nhập vào tài khoản người bán đã đăng ký
- Bước 2: Chọn “Tạo sản phẩm mới” và điền các thông tin chi tiết về sản phẩm muốn bán như tên, mô tả, giá và hình ảnh, video…
- Bước 3: Chọn “Đăng” để sản phẩm hiển thị.
Cách quản lý đơn hàng trên sàn Temu
- Bước 1: Theo dõi đơn hàng trong phần “Đơn hàng của tôi”
- Bước 2: Xác nhận đơn hàng
- Bước 3: Đóng gói và chuyển cho đơn vị vận chuyển để giao hàng đúng hạn
4.2 Bí kíp bán hàng hiệu quả trên Temu không nên bỏ qua
4.2.1 Nghiên cứu thị trường
Khi bạn có ý định bán hàng trên Temu, việc đầu tiên và quan trọng nhất là phải hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu và “luật” của thị trường mà bạn tham gia. Temu là một nền tảng mới, việc nắm bắt thông tin cơ bản về sàn: các chính sách, khách hàng mục tiêu, quy định về sản phẩm, các chương trình khuyến mãi là điều cần thiết, nó chiếm đến 50% việc bạn có thành công hay không.
Xác định khách hàng mục tiêu
Một số nhóm khách hàng tiềm năng trên Temu mà bạn có thể hướng tới:
- Người tiêu dùng trẻ tuổi: Temu thu hút nhiều người tiêu dùng trẻ, đặc biệt là những người thuộc thế hệ Gen Z. Họ thường tìm kiếm các sản phẩm trendy, giá cả phải chăng và dịch vụ giao hàng nhanh chóng.
- Người tiêu dùng tìm kiếm giá rẻ: Nhiều khách hàng sử dụng Temu để tìm kiếm những sản phẩm với giá cạnh tranh. Họ thường nhạy cảm với giá và thường xuyên so sánh giá giữa các nền tảng khác nhau.
- Người yêu thích sản phẩm đa dạng: Temu cung cấp một loạt sản phẩm từ nhiều ngành hàng khác nhau, vì vậy những khách hàng yêu thích sự đa dạng và phong phú trong lựa chọn sản phẩm sẽ là nhóm khách tiềm năng.
Chọn sản phẩm phù hợp
Theo báo cáo từ TechNode, Temu đã ghi nhận doanh thu lên tới 20 tỷ USD trong nửa đầu năm 2024, cho thấy sức hút mạnh mẽ của nền tảng này đối với các ngành hàng khác nhau. Sau đây là một số gợi ý về mặt hàng cụ thể, được ưa chuộng và có tiềm năng phát triển trên sàn Temu:
- Thời trang và phụ kiện: Quần áo, giày dép và phụ kiện như túi xách, giày dép, áo, quần… đang là những mặt hàng rất được ưa chuộng trên Temu, kể cả nam và nữ. Các sản phẩm thời trang nên đa dạng mẫu mã và cập nhật phong cách thường xuyên để phù hợp với xu hướng mới và thu hút nhiều khách hàng.
- Đồ công nghệ và phụ kiện điện tử: Các sản phẩm như tai nghe không dây, phụ kiện máy tính và thiết bị thông minh cũng đang có nhu cầu cao. Sự phát triển của công nghệ tạo ra nhiều cơ hội cho các sản phẩm này.
- Đồ gia dụng và nội thất: Các mặt hàng như đồ dùng nhà bếp, đồ trang trí nội thất, chăn ga gối đệm, bàn ghế, đèn… rất được ưa chuộng trên Temu.
- Đồ dùng cho thú cưng: Các sản phẩm như bát ăn, thức ăn cho chó mèo, giường mềm, đệm và ổ xà phòng, khăn tắm và các dụng cụ vệ sinh khác giúp chăm sóc cho thú cưng sạch sẽ và khỏe mạnh. Ngoài ra, các sản phẩm thời trang cho thú cưng như áo mưa, giày dép và phụ kiện như dây đeo cổ cũng được nhiều người tìm kiếm trên Temu.
Lưu ý: Temu hiện tại không cung cấp thị trường mỹ phẩm tại Việt Nam. Đồ ăn cũng là một ngành hàng không xuất hiện trên Temu Việt Nam. Bạn cần ghi nhớ để không vi phạm chính sách của sàn.
4.2.2 Tối ưu sản phẩm
Việc tối ưu sản phẩm sẽ giúp mặt hàng của bạn nổi bật hơn khi tiếp cận đến người dùng. Điều này phần nào giúp shop nâng cao doanh số, ra đơn đều đều. Việc nhiều chủ shop bỏ qua bước này dẫn đến việc ít xuất hiện trong các kết quả tìm kiếm, từ đó giảm tỷ lệ chuyển đổi và doanh số không ổn định.
- Hình ảnh sản phẩm: Đảm bảo rằng hình ảnh sản phẩm sắc nét, rõ ràng và thể hiện nhiều góc độ của sản phẩm.
- Mô tả sản phẩm: Sử dụng mô tả chi tiết để giải thích các đặc điểm nổi bật của sản phẩm, công dụng, và lợi ích thực tế. Đặt từ khóa vào phần mô tả để cải thiện khả năng xuất hiện khi khách hàng tìm kiếm.
- Giá cả: Phân tích giá thị trường và các sản phẩm tương tự trên Temu để đưa ra mức giá phù hợp. Giá cả cạnh tranh có thể giúp tăng tỷ lệ chuyển đổi.
- Chương trình khuyến mãi và quảng cáo: Sử dụng các chương trình khuyến mãi của Temu hoặc các chiến dịch quảng cáo có sẵn để nâng cao khả năng hiển thị của sản phẩm trên nền tảng.
Trên đây là những thông tin quan trọng về sàn thương mại điện tử Temu dành cho các nhà bán lẻ và chủ shop muốn tham gia. Hãy cân nhắc kỹ và xây dựng chiến lược riêng trước khi bắt đầu. Đừng quên theo dõi để cập nhật các thông tin mới nhất về thị trường và xu hướng bán lẻ online.