Thận ứ nước là một trong những tình trạng bệnh lý của hệ tiết niệu xảy ra ở bất cứ ai, ở bất cứ độ tuổi nào. Nhiều trường hợp thận tích nước trong thời gian dài dẫn đến biến chứng nguy hiểm, mặc dù tình trạng thận ứ nước có thể điều trị dứt điểm.
Tìm hiểu chung thận ứ nước
Thận ứ nước là gì?
Thận có vai trò lọc các chất độc hại cho cơ thể. Mỗi ngày, lượng máu lớn đi qua thận và những thành phần không cần thiết trong máu sẽ được lọc ở thận và thải qua hệ thống đài bể thận.
Hệ tiết niệu của người bao gồm các cơ quan: Thận, niệu quản, niệu đạo, bàng quang,… hoạt động phối hợp một cách nhịp nhàng. Do đó, khi bất kỳ vị trí nào xảy ra tình trạng tắc nghẽn đều có thể dẫn đến nước tiểu bị tích lũy lại trong thận.
Thận ứ nước (Hydronephrosis): Dạng tổn thương xảy ra khi thận bị giãn to hơn bình thường do lượng nước tiểu không thoát được ra ngoài và tích tụ lại. Tình trạng này có thể xảy ra ở một bên hoặc cả hai bên thận, gây tổn thương cấu trúc tế bào và suy giảm chức năng thận.
Triệu chứng thận ứ nước
Những dấu hiệu và triệu chứng của thận ứ nước
Người bệnh thận ứ nước ở thận sẽ có những triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh:
- Người bị bệnh sỏi thận: Thường có máu trong nước tiểu, đau bên hông lưng, sườn lưng lan tới bẹn (háng);
- Người bị ung thư tuyến tiền liệt: Tiểu tiện nhiều vào ban đêm và tiểu rắt;
- Người bị ung thư đại tràng: Đại tiện ra máu hoặc thay đổi trong nhu động ruột.
Triệu chứng theo mức độ bệnh:
- Thận ứ nước cấp tính: Đau bụng do sỏi thận di chuyển xuống niệu quản hoặc sỏi thận mắc kẹt chỗ hẹp niệu quản gây đau. Cơn đau khởi phát ở phía bên sườn lan tới háng, vã mồ hôi, buồn nôn và nôn. Cơn đau ngày càng tăng khiến cho bệnh nhân quằn quại hoặc cuộn người lại vì đau đớn. Nước tiểu rơi không thành dòng (rơi từng giọt) hoặc tiểu ra máu.
- Thận ứ nước mạn tính: Thận giãn to dần theo thời gian và có thể không có triệu chứng gì đặc trưng. Bệnh nhân có thể có các triệu chứng điển hình của suy thận: Mệt mỏi, kiệt sức, buồn nôn và nôn, rối loạn nhịp tim và co thắt cơ bắp.
Tác động của thận ứ nước đối với sức khỏe
- Rối loạn tiểu tiện: Triệu chứng phổ biến và gây nhiều bất tiện trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày:
- Người bệnh luôn có cảm giác buồn tiểu, đi vệ sinh liên tục gây ra những khó chịu, bất tiện và tự ti.
- Người bệnh sẽ đi tiểu nhiều lần hơn vào ban đêm, nhưng lượng nước tiểu ít và đục màu gây ảnh hưởng đến giấc ngủ của bệnh nhân.
- Cảm giác đau buốt, rát và tiểu dắt mỗi khi đi tiểu và đôi khi có lẫn máu trong nước tiểu.
- Người bệnh thường xuyên đau tức vùng thắt lưng, hai bên hông. Cơn đau thường kèm theo buồn nôn và nôn, vã mồ hôi. Các cơn đau và biểu hiện của bệnh tăng dần, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống bệnh nhân.
Do đó, khi có những biểu hiện bất thường cần đến cơ sở y tế để kiểm tra và điều trị kịp thời. Thận ứ nước kéo dài có khả năng dẫn đến các biến chứng: Tăng huyết áp, thiếu máu, suy thận,…
Biến chứng có thể gặp khi mắc thận ứ nước
Thận ứ nước có thể được chữa khỏi hoàn toàn tùy thuộc vào nguyên nhân. Tuy nhiên, nếu thận ứ nước kéo dài không điều trị có khả năng dẫn đến các biến chứng: Nhiễm trùng tiết niệu, huyết áp cao, suy thận, thiếu máu và mất nước.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nhận thấy sự xuất hiện của bất kỳ dấu hiệu, triệu chứng nào thì tốt nhất nên đến ngay bệnh viện để được thăm khám, xét nghiệm và được các bác sĩ chuyên khoa hướng dẫn điều trị.
Tuyệt đối không được thờ ơ trước các bất thường của cơ thể, vì có thể khiến bệnh tiến triển đến mức trầm trọng, việc chữa trị vô cùng khó khăn và gặp không ít rủi ro, biến chứng.
Nguyên nhân thận ứ nước
Nguyên nhân dẫn đến thận ứ nước
Khi vị trí trong hệ tiết niệu bị cản trở quá trình lưu thông của nước tiểu đều có thể dẫn đến tình trạng thận ứ nước. Một số nguyên nhân gây ra thận ứ nước:
- Lỗ niệu đạo, ống niệu đạo hẹp là nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng thận ứ nước ở trẻ em. Phẫu thuật đường tiểu để lại sẹo có thể dẫn đến tình trạng thận ứ nước ở người lớn.
- Bệnh lý ở hệ tiết niệu: Viêm đường tiết niệu, sỏi đường tiểu, trào ngược bàng quang – niệu đạo,… gây tắc nghẽn đường lưu thông của nước tiểu và ứ đọng lại ở thận.
- Khối u chèn ép đường tiểu hoặc ung thư cổ tử cung, mang thai, sa tử cung ở phụ nữ hoặc ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới là nguyên nhân gây ra thận ứ nước.
- Dị tật bẩm sinh xảy ra ở đường tiết niệu dẫn đến tình trạng tắc nghẽn và tích lũy nước tiểu ở thận đối với thai nhi.
- Ngoài ra, các yếu tố khác gây tình trạng nước tiểu ứ đọng ở thận: Thói quen sinh hoạt không lành mạnh, thường xuyên nhịn tiểu, uống nhiều rượu, bia và lạm dụng thuốc,…
Nguy cơ thận ứ nước
Những ai có nguy cơ mắc phải thận ứ nước?
Thận ứ nước có thể xảy ra ở bất cứ ai, bất cứ độ tuổi nào. Có thể hạn chế thận ứ nước bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải thận ứ nước
Có rất nhiều yếu tố có thể khiến bạn tăng nguy cơ mắc bệnh này, như:
- Giới tính: Nam giới có nguy cơ mắc bệnh thận ứ nước cao hơn so với nữ giới.
- Phụ nữ đang mang thai, ung thư cổ tử cung, ung thư tử cung: Nguy cơ mắc bệnh thận ứ nước cao hơn những người phụ nữ bình thường.
- Người mắc các bệnh về tuyến nội tiết hoặc thận: Phì đại tuyến tiền liệt, sỏi thận.
Phương pháp chẩn đoán & điều trị thận ứ nước
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán thận ứ nước
Để chẩn đoán thận ứ nước, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm nước tiểu để phát hiện vi khuẩn gây nhiễm khuẩn, máu hoặc tế bào ung thư. Sử dụng kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính (CT), siêu âm để xem thận có bị ứ nước, phát hiện thấy sỏi hay không.
Phương pháp điều trị thận ứ nước
Nguyên tắc điều trị:
Việc điều trị thận ứ nước tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh. Mục đích của việc điều trị là thông dòng chảy tự do của nước tiểu từ thận xuống bàng quang và ra ngoài và ngăn chặn suy giảm chức năng thận.
Bệnh nhân cần được ngăn ngừa nhiễm khuẩn đường tiểu và giảm thiểu đau đớn trong quá trình điều trị.
Bệnh nhân được xét nghiệm, phân tích kỹ càng, xác định rõ giai đoạn của bệnh rồi sau đó mới bắt đầu lựa chọn phương án điều trị tối ưu.
Phương pháp điều trị:
Một số cách điều trị bệnh hiệu quả:
- Thuốc Nam: Râu ngô, kim tiền thảo, bông mã đề, cỏ xước, xích đồng… giúp thông dòng chảy tự do của nước tiểu từ thận xuống bàng quang và ra ngoài, hồi phục chức năng thận và ngăn chặn suy giảm chức năng thận.
- Thuốc tân dược: Sử dụng kháng sinh, thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ giúp hạn chế bệnh trở nặng và ngăn ngừa sự nhiễm trùng.
- Điều trị bằng steroid: Steroid giúp ngăn ngừa, hạn chế axit uric có trong sỏi.
- Điều trị bằng tia laser: Trong trường hợp sỏi thận, sóng xung kích được sử dụng bắn vào viên sỏi, làm sỏi vỡ ra nhiều mảnh nhỏ để có thể ra ngoài qua đường tiết niệu.
- Đặt ống thông bàng quang: Chỉ định trong trường hợp đường tiết niệu quá hẹp.
- Phẫu thuật: Liệu pháp phẫu thuật để cắt bỏ, lấy sỏi niệu quản, loại bỏ các khối u gây tắc nghẽn niệu quản khi thận ứ nước ở giai đoạn 3 hoặc 4, thận phình to gây đau đớn cho bệnh nhân.
Chế độ sinh hoạt & phòng ngừa thận ứ nước
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp hạn chế diễn tiến của thận ứ nước
Kiểm tra đúng lịch hẹn bác sĩ để quá trình theo dõi điều trị được liên tục;
Tuyệt đối không tự ý bỏ thuốc hoặc mua thuốc không có trong đơn thuốc của bác sĩ;
Lắng nghe và làm theo mọi hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ;
Thận ứ nước nguyên nhân từ nhiều bệnh khác nên việc điều trị càng sớm càng tốt, tránh mất chức năng thận hoàn toàn.
Phương pháp phòng ngừa thận ứ nước
Phòng tránh thận ứ nước bằng cách tránh các bệnh là nguyên nhân gây ứ nước thận: Người bị sỏi thận có thể loại bỏ sỏi bằng cách uống nhiều nước hàng ngày.
Phòng ngừa nhiễm khuẩn tiết niệu như: Quan hệ tình dục an toàn, vệ sinh bộ phận sinh dục trước và sau quan hệ tình dục, tránh tắm rửa ngâm mình trong nước ao hồ bị ô nhiễm,… để tránh nhiễm khuẩn tiết niệu ngược dòng dẫn đến chít hẹp đường tiết niệu và gây ứ nước thận.